Thứ năm, 5/3/2020, 15h50

Gần 300 triệu học sinh gián đoạn học tập vì Covid-19

Đến 4/3, 22 quốc gia tại ba châu lục thông báo đóng cửa trường học ở các mức độ và thời gian khác nhau khiến 300 triệu học sinh bị ảnh hưởng.

Trung Quốc, nơi dịch bùng phát từ cuối tháng 12/2019, là quốc gia đầu tiên cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Đến ngày 4/3, dịch đã lan tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, 22 quốc gia tại ba châu lục tuyên bố đóng cửa trường học ở các mức độ. Trong đó Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Italy... cho học sinh cả nước nghỉ.

Ở bờ Tây của Mỹ, khu vực có nhiều người nhiễm bệnh nhất cả nước, Los Angeles tuyên bố tình trạng khẩn cấp, khuyên các trường cho học sinh nghỉ và phụ huynh giữ con ở nhà. Tiểu bang Washington, nơi có 10 ca tử vong vì nCoV, cũng cho học sinh một số trường nghỉ học.

Hàng loạt quốc gia cho học sinh nghỉ làm gia tăng sự biến động đối với ngành giáo dục trên toàn cầu với gần 300 triệu học sinh không được đến trường. Việc này khiến Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh bảo về mức độ thiệt hại "vô tiền khoáng hậu" mà Covid-19 gây ra cho ngành giáo dục thế giới.

Liên Hợp Quốc nhận định, sự đình trệ và hỗn loạn của giáo dục thế giới thời điểm hiện tại là chưa từng có trong lịch sử. Việc đóng cửa trường học trong thời gian dài có thể tạo ra hệ lụy xấu cho trẻ em và sự văn minh của toàn xã hội.

Chloe Lau, học sinh trung học tại Hong Kong, làm bài tập ở nhà ngày 4/3. Ảnh: Lam Yik Fei/ New York Times

Chloe Lau, học sinh trung học tại Hong Kong, làm bài tập ở nhà ngày 4/3. Ảnh: Lam Yik Fei/ New York Times

Tại một số quốc gia, học sinh THPT, sinh viên đại học bị hoãn các kỳ thi chuẩn hóa hoặc chuyển cấp. Cha mẹ nghỉ làm trông con, mất nguồn thu từ công việc, một số khác chuyển con về quê hoặc tới khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bà Gao Mengxian (48 tuổi), nhân viên bảo vệ tại Hong Kong, chia sẻ: "Hai con gái luôn hỏi khi nào có thể đến trường và ra ngoài chơi. Tôi không biết trả lời các con như nào". Khi lệnh giới hạn di chuyển được ban hành, bà Gao chỉ dám ra ngoài một lần một tuần để mua thức ăn dự trữ. Hai con gái 8 và 10 tuổi của bà tham gia các lớp học trực tuyến, dành thời gian chơi máy tính và xem tivi.

Chính phủ các nước đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân. Nhật Bản trợ cấp 80 USD (khoảng 1,8 triệu đồng) một ngày cho phụ huynh nghỉ phép ở nhà trông con. Tại Pháp, những phụ huynh không có người trông con được cho thêm 14 ngày nghỉ.

Sự rối loạn của giáo dục kéo theo hàng loạt hệ lụy tới lĩnh vực khác. Các công ty cung cấp dịch vụ ăn trưa, xe đưa đón học sinh bị cắt hợp đồng, đứng trước nguy cơ phá sản. Những người làm giúp việc hoặc trông trẻ em thất nghiệp vì phụ huynh nghỉ ở nhà chăm sóc con cái.

Một trường tiểu học tại Nagoya (Nhật Bản) nhận trông coi một số học sinh có cha mẹ không thể nghỉ làm để chăm sóc, ngày 3/3. Ảnh: Kyodo/ Reuters

Một trường tiểu học tại Nagoya (Nhật Bản) nhận trông coi một số học sinh có cha mẹ không thể nghỉ làm, ngày 3/3. Ảnh: Kyodo/ Reuters

Vì học sinh nghỉ phòng Covid-19, xu hướng online lan truyền mạnh mẽ. Trường học và những người làm giáo dục tìm cách giúp học sinh không lỡ nhịp học tập bằng cách cung cấp bài giảng online.

Tại Italy, chính phủ tạo ra một trang web giúp giáo viên đăng tải video bài giảng hoặc ghi hình trực tiếp. Đài truyền hình Mông Cổ phát sóng các bài giảng trên tivi trong khi Iran miễn phí cước Internet cho học sinh. Thậm chí, tại Hong Kong, học sinh học thể dục online bằng cách mặc đồng phục và thực hiện các động tác thông qua màn hình webcam.

Tuy nhiên, việc học online không phải lúc nào cũng thuận lợi. Rào cản công nghệ và tín hiệu đường truyền là những rắc rối mà học sinh, sinh viên thường gặp khi tiếp nhận các bài giảng.

Thira Pang (17 tuổi), học sinh trung học tại Hong Kong, đã nhiều lần truy cập trễ vào lớp học online vì Internet bị chậm. "Nhiều khi, việc có học bài online được hay không phụ thuộc vào may mắn", em nói. Nhiều học sinh thậm chí đã phải leo lên mái nhà hoặc đi bộ lên núi tuyết để bắt được đường truyền Internet.

Bên cạnh đó, lớp học online đặt ra những vấn đề cho học sinh bậc tiểu học được ông bà chăm sóc. Ruby Tan, giáo viên tại Trùng Khánh (Trung Quốc) chia sẻ: "Đây là hai đối tượng rất khó tiếp cận với công nghệ nên các bài giảng online thường không mang lại hiệu quả".

Phun thuốc khử trùng tại một trường trung học ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Yorgos Karahalis/Associated Press

Phun thuốc khử trùng tại một trường trung học ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Yorgos Karahalis/Associated Press

Việc nghỉ học dài hạn cũng khiến các cột mốc giáo dục thay đổi. Ở Nhật Bản, năm học kết thúc vào tháng 3. Tuy nhiên, nước này đã cho học sinh nghỉ đến hết 22/3, khiến năm học 2019-2020 kết thúc muộn. Học sinh Hong Kong được nghỉ hè đầu tháng 4, nhưng năm nay bị xáo trộn do người đứng đầu cơ quan giáo dục thông báo 20/4 là thời điểm sớm nhất để quay lại trường.

Tương tự, tại Việt Nam, 63 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ hết tháng 2, hiện một số địa phương vẫn kéo dài kỳ nghỉ cho học sinh bậc tiểu học và THCS đến giữa tháng 3. Việc này đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo lùi thời điểm kết thúc năm học, các kỳ thi chuyển cấp và đại học một tháng so với mọi năm.

Câu hỏi "Khi nào con được trở lại trường?" của con gái bà Gao Mengxian cũng là nỗi băn khoăn của hàng triệu học sinh khắp thế giới khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng.

Thanh Hằng/Vnexpress (Theo New York Times)