Thứ bảy, 12/6/2021, 14h25

Giải Báo chí TP.HCM năm 2021 sẽ trao 65 giải thưởng

Với 154/262 tác phẩm dự thi Giải Báo chí TP.HCM lần thứ 39 năm 2021 lọt vào chung khảo được đánh giá chất lượng khá ở hầu hết các nhóm thể loại. Nhiều tác phẩm thể hiện sự tâm huyết, có tính sáng tạo; nhiều tác phẩm có tác động xã hội mạnh, đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi, góp phần để cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét xử lý.

Hàng năm, nhiều phẩm báo chí tiêu biểu được ban tổ chức Giải báo chí TP.HCM trao giải

Hội Nhà báo TP.HCM cho biết, Giải báo chí TP.HCM lần thứ 39 năm 2021 mang chủ đề “TP. Hồ Chí Minh: Dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”. Đơn vị tham gia gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình chia ra 5 nhóm theo 5 thể loại: Nhóm 1 gồm tin, ảnh báo chí (ảnh tin, ảnh phóng sự); Nhóm 2 gồm chính luận (bình luận, xã luận, chuyên luận…); Nhóm 3 gồm phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí; Nhóm 4 gồm pỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh; Nhóm 5 gồm công trình tập thể có tính nghiệp vụ báo chí, phục vụ công tác, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả xã hội cao; có cải tiến đổi mới về hình thức và nội dung, được xã hội ghi nhận.

Theo đó, 18 cơ quan báo chí đã tham gia Giải với 262 tác phẩm dự thi, tăng 11 tác phẩm so với giải năm 2020 và 154 tác phẩm được vào chung khảo. Kết quả có 65 giải thưởng gồm: 5 giải nhất, 14 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, nội dung các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, an ninh quốc phòng... Đặc biệt phản ánh các sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tình hình thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội.

Đáng chí ý, có khoảng 30% tác phẩm báo chí liên quan đến các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều tấm gương hi sinh tận tuỵ, phục vụ nhân dân của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, trong cách thức truy vết, ngăn ngừa, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.

Nhiều tác phẩm báo chí và hình ảnh phản ánh những thiệt hại và công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ ở một số tỉnh miền Trung; phát hiện và cùng các cơ quan chức năng đeo bám nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn này trên cơ sở “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm đã cổ cũ, tôn vinh lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, các luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị…

Về chất lượng tác phẩm năm nay khá, ở hầu hết các nhóm thể loại; độ đồng đều cao hơn và có một số tác phẩm nổi trội đã đoạt giải nhất, đó là: Phóng sự ảnh “Có thương nhau xin đừng xả rác” của Báo Tuổi Trẻ; Loạt bài “Bẻ gãy luận điệu của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc về Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 về Biển Đông” (5 kỳ) của Báo Pháp Luật TPHCM;…

Tạp chí Giáo Dục TP.HCM đã đạt 2 giải khuyến khích với tác phẩm Hồn dân tộc trong môi trường hội nhập của phóng viên Quang Long (Đỗ Yến Hoa) và loạt bài Tỏa sáng giữa đời thường của 2 phóng viên Trần Trọng Tri và Hồ Trinh.

Các tác phẩm dự Giải năm nay đã giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí. Nhiều bài có tính phát hiện, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm và đã đoạt giải cao như: Chương trình “Vận động ủng hộ cho hoạt động xây dựng những hệ thống lọc nước cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid- 19” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM; loạt bài “Xây bản sắc văn hoá đô thị TP.HCM” (5 kỳ) của báo Người Lao động; “Trên Biển Đông, chính nghĩa thuộc về Việt Nam: Trung Quốc sẽ tự đánh vào uy tín của mình nếu tuyên bố ADIZ trên Biển Đông” của Báo Phụ nữ TP.HCM…

Sau 38 lần tổ chức, uy tín của Giải báo chí TP.HCM ngày càng được khẳng định vững chắc, giá trị của giải được lan tỏa rộng khắp khu vực phía Nam và cả nước. Đặc biệt, năm nay trong thành phần Ban giám khảo có toàn bộ các ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo TP.HCM đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chấm giải.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban chấp hành Hội nhà báo TP thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ trao giải báo chí tập trung như hàng năm. Theo đó, các cơ quan báo chí căn cứ tình hình thực tế của đơn vị tổ chức trao giải cho các tác giả tại trụ sở cơ quan báo chí. Lễ trao giải tại các báo với sự tham dự của các vị đại biểu, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Thời gian trao giải tại các cơ quan báo chí dự kiến trước ngày kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2021.

N.Trinh