Thứ ba, 7/2/2023, 13h44

Giám đốc ngân hàng cảnh báo khả năng vỡ nợ của Mỹ

Giám đốc điều hành ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ không loại trừ khả năng vỡ nợ của nước này.
Quốc hội Mỹ một lần nữa tranh cãi về việc tăng trần nợ - số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay để thanh toán hóa đơn đúng hạn.
Giám đốc điều hành Bank of America (BAC) Brian Moynihan.
Brian Moynihan, giám đốc điều hành Bank of America (BAC), ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ, nói với CNN rằng ông hy vọng các nhà lập pháp sẽ có giải pháp, bởi thị trường và nền kinh tế thích sự ổn định. Tuy nhiên, việc vỡ nợ của quốc gia vẫn là một khả năng không thể bỏ qua.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó, không chỉ ở đất nước này mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới” - CEO Brian Moynihan của Bank of America nói trong chương trình “CNN sáng nay” hôm 6.2. “Bạn hy vọng điều đó không xảy ra, nhưng hy vọng không phải là một chiến lược, vì vậy bạn phải chuẩn bị cho nó”.
Tổng thống Joe Biden có thể đề cập đến chủ đề này trong Thông điệp Liên bang ngày 7.2. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Quốc hội rằng, Mỹ có thể không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính ngay sau tháng 6 nếu trần nợ không được nâng lên trước thời điểm đó.
Bà Yellen sau đó cho biết có thể xảy ra “khủng hoảng tài chính toàn cầu” nếu không có thỏa thuận trần nợ. Bộ Tài chính đang thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tiếp tục thanh toán hóa đơn đúng hạn.
Bi kịch mới nhất về trần nợ đã dẫn đến một số lời kêu gọi chính phủ loại bỏ nó hoàn toàn. Lập luận là các cuộc tranh cãi chính trị không nên ngăn cản Mỹ đáp ứng các cam kết tài chính của mình.
Moynihan không phải là người hâm mộ ý tưởng đó. Ông nói “phải có một cuộc tranh luận về cách đảm bảo rằng chúng ta sống trong khả năng của mình với tư cách là một quốc gia” khi được hỏi liệu Mỹ có nên loại bỏ trần nợ hay không.
“Quốc hội nắm hầu bao. Tôi không nghĩ đến việc sửa đổi Hiến pháp. Tôi nghĩ chúng ta nên giữ nguyên Hiến pháp và đảm bảo Hiến pháp hoạt động chính xác” - ông Moynihan nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng chính phủ Mỹ phải chi nhiều hơn cho các chương trình kích thích kể từ năm 2020 do cuộc khủng hoảng COVID-19, nói rằng Mỹ đã phải gánh “rất nhiều khoản nợ trong vài năm qua để vượt qua tác động của đại dịch đến nền kinh tế”.
Nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái ngắn ngủi do COVID-19, nhưng lạm phát hiện được cho là vấn đề lớn nhất mà đất nước, cũng như Cục Dự trữ Liên bang phải đối mặt.
Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm qua để cố gắng kiềm chế lạm phát. Việc tăng lãi suất đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc.
“Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức rất thấp. Cực kỳ thấp. Đó là một trong những thách thức đối với Fed” - Moynihan nói.
Với suy nghĩ đó, Moynihan cho biết, Bank of America vẫn đang dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ” vào một thời điểm nào đó trong tương lai - nhưng ngày bắt đầu vẫn tiếp tục bị đẩy lùi. Ông lập luận rằng lãi suất cao hơn có thể là lực cản đối với lợi nhuận của công ty, nhưng tin tốt là hầu hết mọi người vẫn đang làm việc, kiếm được mức lương tốt và chi tiêu tốt.
Moynihan dường như cũng không quá lo ngại rằng bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào giữa Mỹ và Trung Quốc bắt nguồn từ sự cố khinh khí cầu gần đây sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết, với tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ai muốn có bất kỳ căng thẳng kinh tế nào leo thang.
Moynihan nói: “Thật thú vị khi xem trận đấu giữa hai quốc gia này. Nhưng điều tốt nhất trên thế giới là có thương mại tự do”.
PV (theo laodong)