Thứ ba, 7/8/2018, 21h16

“Giảng” trước, “khai” sau, bao giờ mới hết?

Trước đây, khi xảy ra tình trạng nhiều trường tập trung học sinh học trước khi khai giảng, có nơi học từ nửa tháng 7; các địa phương đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo cho các em nghỉ đủ ba tháng hè… Mặt khác, nếu học trước, khai giảng sau thì môi trường học đường và phụ huynh, học sinh sẽ không còn không khí náo nức của ngày khai giảng!

Nhưng bây giờ dường như đâu lại vào đó theo cái vòng luẩn quẩn “giảng” trước “khai” sau! Tựu trường có nghĩa là tập trung trước ngày khai giảng một tuần để nhận lớp, ổn định tổ chức lớp, tổ chức nhà trường; lao động vệ sinh khuôn viên trường chuẩn bị cho lễ khai giảng. Hoàn toàn không có chuyện học văn hóa ở thời điểm này.

Hiện nay, một số trường đã thông báo việc học văn hóa từ đầu tháng 8 hoặc từ nửa tháng 8-2018. Như vậy, các em sẽ học trước chương trình một tháng hoặc nửa tháng trước khi học chính thức! Như vậy, giáo viên của các trường này cũng không được nghỉ đủ ngày hè theo quy định vì phải vào dạy theo sự điều động của ban giám hiệu! Đã xảy ra tình trạng học sinh đi du lịch cùng gia đình, hoặc về thăm quê theo cha mẹ… thì khi trở về đã bị mất kiến thức của một, vài tuần.

Xét cho cùng, nguyên nhân là do áp lực thi mà ra. Vì năm học tới, nội dung đề thi bao gồm toán cấp 3 (lớp 10, 11 và 12) nên không thể ôn luyện một tháng là thi được mà phải quỹ có thời gian thỏa đáng vào thời điểm cuối năm. Các trường học trước sẽ hoàn tất chương trình vào khoảng tháng 4-2019. Sau đó sẽ bước vào ôn thi quyết liệt cho kỳ thi “sống còn” của 12 năm miệt mài đèn sách!

Vòng luẩn quẩn này kéo theo nhiều hệ lụy, liên quan tới mỗi học sinh, mỗi gia đình. Ngày hè của thầy cô, của học sinh bị cắt xén; kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi của từng gia đình bị đảo lộn, thay đổi. Tâm lý đi học trong khi vẫn còn hè đã tạo ra sự miễn cưỡng, bắt buộc, không hào hứng với việc học của các em. 

Vì thế cũng dễ hiểu là các lễ khai giảng chính thức của mấy năm gần đây cứ nhạt dần; không còn không khí náo nức; ghi dấu ấn của ngày lễ thiêng liêng trong đời học sinh. Cũng như con người khi đã ăn no rồi tiếp theo phải bàn soạn thức ăn lên mâm trịnh trọng; món ngon đến mấy cũng thành bình thường, nhàm chán vì đã no nê trước đó rồi!

Lê Trưng Sa
(Giáo viên THPT Sóc Trăng)