Thứ sáu, 22/1/2021, 15h04

Giáo dục tiểu học xứng đáng là niềm tin của phụ huynh

Sáng 22-1, tại Trường TH Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết và khen thưởng Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp thành phố năm 2020.


Các giáo viên được trao giải Nhất Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP năm 2020

Theo kế hoạch, Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp TP diễn ra trong năm học 20219-2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội thi phải tạm hoãn, đến năm học 2020-2021 Hội thi được triển khai theo Thông tư số 22/2019/TT-GDĐT của Bộ GD-ĐT về quy định hội thi giáo viên dạy giỏi. Tổng số giáo viên đăng ký tham dự hội thi là 1.097 giáo viên, trong đó có 185 giáo viên dạy lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, 762 giáo viên từ lớp 2 đến lớp 5 dạy theo Chương trình QĐ 16/2006/QĐ-BGDĐT, 158 giáo viên môn ít tiết, VNEN và ngoại ngữ. Sau quá trình rà soát hồ sơ, có 963 giáo viên đủ điều kiện dự thi. Hội thi được diễn ra từ ngày 19-2-2020 cho vòng rà soát hồ sơ dự thi của giáo viên, vòng thi thực hành giảng dạy 2 và trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục được thực hiện từ ngày 25-10/ 12-12-2020.

Giáo dục tiểu học xứng đáng là niềm tin của phụ huynh, xã hội

Báo cáo tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP năm 2020, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng (Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, công tác tổ chức Hội thi năm 2020 được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng dịch Covid-19, tính công bằng và bảo mật.

Nhằm tạo điều kiện cho giáo viên dự thi, Ban tổ chức đã tổ chức 10 điểm thi tại các trường TH khác nhau. Trong đó có 4 điểm thi để tổ chức vòng thi giảng dạy bộ sách Chân trời sáng tạo, 3 điểm thi dành cho các bộ sách khác của Chương trình GDPT 2018, 2 điểm thi phục vụ giáo viên dạy mô hình VNEN, đặc biệt bố trí riêng 1 điểm thi cho 1 giáo viên dự thi tiếng Hoa. Tổng số giám khảo được huy động trong hội thi lên đến 146 người, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch nhất cho hội thi.

Kết thúc vòng thi tiết dạy có tổng số 414/963 giáo viên dự thi đạt đủ các điều kiện dự thi theo quy định. Ở vòng trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, có 404/414 giáo viên đủ điều kiện công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP năm 2020 (chiếm gần 40%) và 111 giáo viên được nhận bằng khen của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Trong đó có 9 giáo viên đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp TP, 21 giáo viên đạt giải Nhì, 30 giáo viên đạt giải Ba và 51 giáo viên đạt giải Khuyến khích. Đồng thời, Hội thi cũng khen thưởng 12 tập thể phòng GD-ĐT trong đó Phòng GD-ĐT Q.5 đạt giải Nhất, Phòng GD-ĐT Q.7 đạt giải Nhì, Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú đạt giải Ba; Phòng GD-ĐT các quận 1, 6, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Phòng GD-ĐT 2 huyện Bình Chánh, Nhà Bè đạt giải Khuyến khích. So với con số giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp TP năm 2016 là dưới 25%, có thể nhận thấy chất lượng giảng dạy và tay nghề của giáo viên TP đã có sự chuyển biến, nâng cao rõ rệt.


Giáo viên đạt giải Nhì Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá cao công tác tổ chức Hội thi năm nay, khi đã linh hoạt, sáng tạo, tạo điều kiện để giáo viên giảng dạy ở tất cả các chương trình đều được tham gia cuộc thi. “Có thể nhận thấy, lần đầu tiên áp dụng Thông tư 22 mới của Bộ GD-ĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi song TP đã làm rất tốt, chặt chẽ, tạo sự khách quan, công bằng. Dù là năm đầu tiên triển khai quy định mới nhưng Hội thi năm nay đã diễn ra rất thoải mái, không có không khí căng thẳng như các kỳ thi trước mà ngược lại cả giáo viên và học sinh đều có tinh thần tự nhiên. Điều quan trọng là qua hội thi góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên, của từng đơn vị nhà trường và các quận, huyện”.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng khẳng định, mỗi giáo viên giỏi ở mỗi đơn vị chính là hạt nhân để khuyến khích, nâng cao chuyên môn của đội ngũ đơn vị. Từ chính những mặt hạn chế khi giáo viên tham gia hội thi cũng sẽ là kinh nghiệm để mỗi nhà trường nhìn nhận, đánh giá, nâng cao cách tổ chức dạy học trong nhà trường, đổi mới hoạt động dạy và học, đưa giáo dục tiểu học TP xứng đáng là niềm tin của gia đình, xã hội.

Lấy học sinh làm trung tâm

Điểm chung của các thầy cô giáo được công nhận và đạt giải Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP năm 2020 không chỉ là sự vững vàng về chuyên môn mà còn là sự tận tuỵ, niềm yêu nghề và tinh thần đổi mới, trách nhiệm, sáng tạo trong từng giờ học.

Là giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc, thầy Trần Thanh Trường (giáo viên Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) luôn cố gắng mang đến cho học sinh những giờ học sôi nổi, vui tươi. Mỗi giờ học nhạc được thầy Trường “hô biến” thành những game show âm nhạc khi linh hoạt áp dụng các trò chơi, game show mô phỏng theo các chương trình trên đài truyền hình. “Mỗi giờ học học sinh rất hào hứng tham gia. Qua từng hoạt động trong giờ học, các em được phát triển thêm nhiều kỹ năng, khuyến khích các em bày tỏ cảm xúc và gắn kết tình cảm bạn bè, phát triển năng khiếu”. Bằng sự sáng tạo, đổi mới, thầy Trường đã xuất sắc đạt giải Nhất Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp TP.

Ở bộ môn Tin học, thầy Dương Chánh Tâm (giáo viên Trường TH Trương Định, Q.12) lại cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học mới, phương pháp dạy học tích cực để thu hút học sinh. Với quan điểm “làm mới trong từng tiết dạy”, mỗi tiết học được thầy Tâm thực hiện đa dạng, tận dụng triệt để CNTT, phần mềm, khen thưởng tích cực hoc sinh. “Trọng tâm của đổi mới giáo dục là làm sao để các em tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng, áp dụng được các kiến thức bài học vào trong cuộc sống. Sau mỗi tiết học, học sinh đều có có thể tạo ra các sản phẩm riêng từ vô hình đến hữu hình, bước đầu hình thành nên nền tảng về CNTT cho học sinh, phát huy khả năng tự học, ứng dụng CNTT để khai thác sâu hơn các bộ môn khác…”, thầy Tâm chia sẻ. Thầy Tâm cũng là một trong số những giáo viên đạt giải Nhì trong Hội thi năm nay.

Là một trong 21 giáo viên đạt giải Nhì trong Hội thi, cô Ngô Lê Bảo Ngọc (giáo viên Trường TH Nguyễn Viết Xuân, Q.Gò Vấp) đã chinh phục Ban giám khảo bằng tinh thần đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm và nỗ lực tự học không ngừng. Giảng dạy bộ môn Tiếng Việt, cô Ngọc cho biết, đây không chỉ là môn học mà còn là bộ môn giúp học sinh hình thành nhân cách, phẩm chất, tình yêu quê hương, đất nước. “Bên cạnh các phương pháp giảng dạy tích cực, các phương pháp dạy học mới, trong mỗi tiết dạy, tôi đều linh hoạt tận dụng các công cụ đổi mới như CNTT, video, clip, đưa tính thực tế vào trong nội dung bài học”.

Để sáng tạo trong từng tiết học, cô Ngọc đã mày mò tự học, tự nâng cao chuyên môn trình độ CNTT từ đồng nghiệp, từ kho học liệu trên internet vào các thời gian rảnh rỗi. Các video, clip đều do cô tự thực hiện, sáng tạo, đảm bảo sự chọn lọc và phù hợp với từng nội dung bài học. “Góp nhặt các clip gần gũi với học sinh để làm thành những đoạn phim, vừa tạo sự thích thú vừa khơi gợi sự sáng tạo, yêu thích bộ môn cho học sinh. Mọi sự đổi mới vẫn nhằm khơi gợi sự hứng thú cho học sinh để đưa kiến thức đến gần với học sinh, vừa chơi vừa học…”, cô Ngọc chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa