Thứ tư, 23/9/2020, 10h09

Giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương: Mong sớm có phương án chính thức

Trước thông tin phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 có thể sẽ có nhiều thay đổi, học sinh, phụ huynh và giáo viên hồi hộp, mong chờ phương án chính thức để có kế hoạch học tập hiệu quả.
Học sinh và giáo viên lớp 12 mong sớm có phương án thi tốt nghiệp THPT  /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh và giáo viên lớp 12 mong sớm có phương án thi tốt nghiệp THPT. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề do mỗi tỉnh, thành chịu trách nhiệm sẽ không đồng nhất
Giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương tổ chức là hợp lý, tuy nhiên phải tính đến việc xét tuyển ĐH. Có những vấn đề đặt ra như đề chung của Bộ sẽ có tính khách quan và công bằng, làm cơ sở mặt bằng chung cho các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển. Đề do mỗi tỉnh, thành chịu trách nhiệm thì sẽ thấy không đồng nhất, độ tin cậy khó xác định cao và chỉ mỗi mục đích xét tốt nghiệp THPT.
Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)
Nên chuyển giao theo giai đoạn
Bộ chuyển giao hoàn toàn các công đoạn cho các địa phương e rằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy nên chuyển theo giai đoạn, giảm từ từ và có đánh giá. Chẳng hạn như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tổ chức thành 2 đợt, sử dụng đề chung của Bộ cũng nên coi là phép thử nhỏ và đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh ở 2 đợt. Thay đổi cần có lộ trình và tăng cường công tác giám sát để các địa phương nhìn nhận được trách nhiệm.
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nếu thi nhiều lần sẽ chịu áp lực rất lớn
Em có nghe thông tin là sắp tới Bộ có thể thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi có thể được giao về cho các địa phương tổ chức. Tuy nhiên, hiện chúng em vẫn chưa biết phương án thi cuối cùng như thế nào nên khá áp lực tâm lý và lo lắng, vì mỗi phương thức thi khác nhau có thể sẽ đánh giá kết quả học tập cũng như xét tuyển ĐH rất khác nhau. Nếu Bộ giao cho Sở tự tổ chức thi, sẽ có sự chênh lệch về độ khó của đề giữa các tỉnh, thành. Nhất là khi đề thi ở TP.HCM thường khó hơn các tỉnh khác. Nếu cùng dùng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển ĐH, thí sinh ở những nơi có đề thi khó hơn sẽ chịu thiệt thòi. Em chỉ mong trải qua một kỳ thi, vừa có thể xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH lại có thể đảm bảo công bằng cho thí sinh cả nước, vì nếu thi nhiều lần bọn em chịu áp lực rất lớn.
Nguyễn Hoàng Khánh Vy (HS lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)
Sợ không thích ứng kịp
Nếu Bộ ra đề thi chung cho học sinh cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như những năm trước đây thì đề thi có thể “dễ thở” hơn vì người ra đề còn tính đến những học sinh vùng sâu vùng xa. Còn nếu ra đề riêng, đề thi ở những thành phố lớn chắc chắn sẽ khó hơn. Bộ GD-ĐT vẫn nên giữ nguyên kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay. Năm nay lứa học sinh chúng em có rất nhiều thay đổi. Những thay đổi này nhiều khi khiến bọn em cảm thấy hoang mang và khó lòng thích ứng ngay, nhất là với học sinh cuối cấp.
Nguyễn Trần Tường Vy (HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Hóc Môn, TP.HCM)
Theo Bích Thanh - Nguyễn Loan/TNO