Thứ ba, 6/6/2023, 12h31

Giáo viên “khen” đề thi văn sáng tạo, vừa sức học sinh

Thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đánh giá, với chủ đề “Để những suy nghĩ cất lên thành lời”, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2023 gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ: lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách…


Giáo viên đánh giá đề thi ngữ văn khá sáng tạo, gần gũi với học sinh

“Đề nhìn có vẻ dài những lại không khó. Nội dung của đề gần gũi, dễ hiểu, thiết thực. Chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15” - thầy Bảo nhìn nhận.

Cũng theo giáo viên này, các câu hỏi đề có sáng tạo, chưa bao giờ trùng lặp với các năm trước. Đề không đánh đố, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu. Đề có tính phân hóa ở 2 phương diện: kỹ năng làm bài và tư duy sáng tạo.

Cụ thể, ở từng câu hỏi trong đề, giáo viên Võ Kim Bảo phân tích:

Câu 1 đọc hiểu: Ngoài sự mới mẻ về hình thức thì nội dung cũng mới. Nội dung đọc hiểu không trích dẫn 100% mà được dẫn dắt bởi người ra đề. Văn bản đọc hiểu do người ra đề tự viết, đóng vai cô giáo, có trích dẫn các tác phẩm liên quan đến chủ đề “Những suy nghĩ cất lên thành lời”.

“Các câu hỏi không khó, đây là phần hầu hết học sinh có thể lấy điểm. Câu d mang tính giáo dục cao đồng thời tôn trong ý kiến chủ quan của học sinh không áp đặt” - thầy Bảo nói.

Với câu 2 phần nghị luận xã hội, đề có 2 điểm mới so với các năm trước: Dẫn dắt bằng một ý thơ và tạo lập văn bản dự trên một nhan đề cho sẵn. Yêu cầu của đề không khó, đa số học sinh có thể làm được. Tuy vậy, một số học sinh không cẩn thận sẽ làm bài không đúng trọng tâm nếu chỉ bàn về nội dung đoạn thơ hoặc chỉ bàn về nhan đề cho sẵn, không có sự liên kết.

“Đề có tính phân hóa cao, yêu cầu học sinh có kĩ năng tốt, có cách trình bày hợp lí, biết liên kết ý thơ và nhan đề để rút ra vấn đề”.


Học sinh tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn

Với câu 3 nghị luận văn học, với 2 chủ đề trong 2 đề là lòng yêu nước và tình cảm gia đình đều rất gần gũi với học sinh.

“Đề 1: Chủ đề là tình yêu nước. Đề yêu cầu nghị luận thơ, học sinh cần phải thuộc một số đoạn thơ nhất định. Nếu không thuộc thơ, học sinh có thể lựa chọn đề 2, cũng không hề khó hơn.Dạng đề này đã được công bố trước đó nên không lạ với học sinh. Đề 2: Chủ đề là tình cảm gia đình, đề khá rộng như đề 1. Đề không giới hạn thơ hay truyện, học sinh có thể chọn bất kì tác phẩm nào đúng chủ để, ở bất kì thể loại nào” - thầy Bảo phân tích.

Giáo viên này cũng chỉ rõ, sự khác biệt ở đề 2 với đề 1 là ở yêu cầu phụ: chia sẻ về cách đọc, cách hiểu tác phẩm mình chọn. Yêu cầu phụ này không khó, học sinh được trình bày quan điểm của mình 1 cách tự do. Nhưng với những học sinh quen học văn mẫu, tư duy rập khuôn sẽ không hiểu yêu cầu này.

“Mặc dù đề khá gần gũi song để làm được đòi hỏi thí sinh cần có kỹ năng đọc, hiểu đề, phân tích đề và trình bày các ý đúng với yêu cầu của đề. Nhiều học sinh không có kỹ năng phân tích để đáp ứng yêu cầu đề. Thí sinh cần cần có tư duy sáng tạo ở câu 2 và câu 3 (đề 2). Các ý tưởng độc đáo cho câu hỏi mở (câu 2) và câu hỏi phụ (câu 3, đề 2) chắc chắn sẽ được đánh giá cao” - thầy Võ Kim Bảo nhấn mạnh.

Yến Hoa