Thứ hai, 27/9/2021, 09h36

Giới làm phim livestream phản biện dự thảo Luật điện ảnh

Làng phim Việt ngày 26/9 diễn ra sự việc vô tiền khoáng hậu khi các nhà làm phim livestream cùng bàn thảo góp ý dự thảo Luật điện ảnh.

Sự kiện kèo dài hơn ba tiếng, quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh như đạo diễn Phan Đăng Di,  Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia Nguyễn Hoàng Điệp, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Tạ Nguyên Hiệp, diễn viên Hồng Ánh... Ngoài ra buổi tọa đàm còn có tiếng nói từ những người sản xuất, phát hành phim như nhà sản xuất nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy, Trần Thị Bích Ngọc, Đồng Thị Phương Thảo cũng như chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota.

Nóng nhất tại tọa đàm vẫn là vấn đề kiểm duyệt. Những câu chuyện thực tế được chính người trong cuộc đưa ra đã phản ánh phần nào bất cập của công tác duyệt phim vì phụ thuộc vào ý chí của người duyệt. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lấy dẫn chứng phim hoạt hình Minion khi về Việt Nam bị yêu cầu cắt cảnh một con minion ăn cắp vương miện của Nữ hoàng Anh vì sợ ảnh hưởng quan hệ ngoại giao hay trong phim Tiệc trăng máu bị yêu cầu cắt đoạn thoại của nhân vật bác sĩ thẩm mỹ do Hứa Vĩ Văn vì có từ thô tục. Đạo diễn Trần Thanh Huy tiết lộ phim Ròm được yêu cầu lược bỏ bớt nhân vật nhân viên thương lượng nhà đất do Hải Triều đóng vì sợ gợi âm hưởng liên đới với vụ đền bù đất Thủ Thiêm. Ngoài ra cảnh kết phim cũng được yêu cầu thay đổi.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng dự thảo Luật làm khó cả Hội đồng duyệt lẫn người làm phim cũng như chưa tôn trọng khán giả vì quy định về những điều cấm trong phim ảnh khá mơ hồ, thiếu tiêu chí rõ ràng. Các đề xuất được đưa ra bao gồm việc đã dán nhãn thì không yêu cầu cắt phim, có cơ chế riêng cho các phim dự thi các liên hoan phim quốc tế lớn, thành lập Hội đồng kiểm duyệt tại TPHCM, minh bạch ý kiến của từng thành viên hội đồng duyệt bằng văn bản, tổ chức cho nhà làm phim trao đổi với hội đồng duyệt trong trường hợp hai bên không thống nhất cần có hội đồng trọng tài.Tựu trung các nhà làm phim đều mong muốn cơ quan quản lý hiểu phim là tác phẩm nghệ thuật hư cấu, phản ảnh góc nhìn thể hiện quan điểm của đạo diễn chứ không phản ánh toàn bộ sự thật xã hội. 

Buổi trực tuyến góp ý dự thảo Luật điện ảnh thu hút rất nhiều nhà làm phim tên tuổi

Dự thảo luật điện ảnh tính đến thời điểm này đã dự thảo đến lần thứ tám với nhiều đợt lấy ý kiến góp ý nhưng đến ngày 26/9 mới có một cuộc phản biện rộng rãi công khai từ chính những người trong cuộc. Trước đó ở nhiều buổi lấy ý kiến được tổ chức tại TPHCM - thị trường hoạt động phim ảnh lớn nhất nước - có rất ít sự hiện diện của những người trực tiếp làm phim mà chủ yếu là những người làm công tác quản lý.

Tiếng nói phản biện trực tiếp tại các buổi góp ý vì thế rất lẻ loi, yếu ớt mãi đến khi xảy ra “sự kiện” phát ngôn về phim Người phán xử. Có thể nói đây là lần đầu tiên giới làm phim nhiều thế hệ thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng để công khai phản biện trước một văn bản pháp luật nhà nước quan trọng sắp gây tác động đến công việc của họ.

Việc làm này đánh dấu sự chuyển biến nhận thức của giới làm phim trước những câu chuyện liên quan đến quản lý nhà nước bởi từ trước đến nay những người làm nghệ thuật vốn khá thờ ơ với vấn đề “vĩ mô” này. Không khó nhận thấy nguyên cớ dẫn đến cuộc tọa đàm công khai trên xuất phát từ ví dụ thiếu căn cứ của một vị tướng về việc phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm phát ngôn tại một buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo luật điện ảnh gần đây.

Dự thảo Luật điện ảnh đang trên lộ trình cuối để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội hoàn thành trình lên Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ hai dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, do đó những ý kiến phát biểu của đông đảo các nhà làm phim hôm 26/9 cũng đã khá muộn màng.

Tuy nhiên đây vẫn là sự lên tiếng cần thiết vì hơn ai hết chính người trong cuộc mới hiểu rõ những bất cập, tồn tại của luật để có phản biện cần thiết, góp phần giúp luật trở thành công cụ, đòn bẩy thúc đẩy phim ảnh phát triển. Những tiếng nói muộn màng nhưng có còn hơn không này cũng cho thấy giới làm nghệ thuật đã tự tin hơn khi thể hiện tiếng nói công dân - điều mà lâu nay họ đã lãng quên bởi bản tính nghệ sĩ.

Theo H.Nhu/PNO