Thứ tư, 15/7/2020, 10h25

Giúp học sinh chống trượt tốt nghiệp THPT

Những lớp học nhằm giúp học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT được các nhà trường mở ra với tên gọi khác nhau như: chống liệt, chống trượt hoặc 3+, 5+ với mong muốn học sinh của mình không bị trượt.
Giáo viên Trường THPT Thác Bà (H.Yên Bình, Yên Bái) tổ chức ôn tập hằng ngày cho học sinh lớp 12 cho đến tháng 8 /// Ảnh: Tuệ Nguyễn
Giáo viên Trường THPT Thác Bà (H.Yên Bình, Yên Bái) tổ chức ôn tập hằng ngày cho học sinh lớp 12 cho đến tháng 8. ẢNH: TUỆ NGUYỄN
Chú trọng đến cả tâm lý
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường không chỉ lo cho học sinh (HS) học đủ kiến thức mà còn rất chú trọng đến vấn đề tâm lý trước kỳ thi.
Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết sau kỳ khảo sát đầu tiên dành cho HS lớp 12 của TP.Hà Nội, nhà trường đã “lọc” ra vài chục HS có nguy cơ điểm liệt ở một số môn. Bà Hậu cũng cho hay với những lớp này không chỉ nhồi nhét kiến thức là xong mà phải làm công tác tâm lý cho HS.
Có trường hợp HS đủ điểm đỗ ĐH nhưng lại trượt tốt nghiệp vì có điểm liệt của môn lịch sử. Nhiều HS chỉ chăm chăm cho các môn thi ĐH mà lơ là các môn còn lại nên nhà trường phải có một lớp gọi vui là lớp “chống liệt”, lớp này có một thời gian biểu và kế hoạch phụ đạo đặc biệt
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)
Một trong những giải pháp tâm lý mà Trường THPT Trần Nhân Tông đưa ra là cho HS nghỉ tự ôn một thời gian, nhưng trước kỳ thi 1 tuần thì HS lại được khuyến khích đến trường ôn tập trực tiếp với thầy cô. Đây là thời gian quan trọng để hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức, củng cố kỹ năng làm bài thi cũng như tâm lý phòng thi cho HS.
Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) Đàm Tiến Nam cho biết: “Nhà trường phải tiến hành gặp gỡ phụ huynh và HS lớp 12 từ rất sớm để làm công tác tư tưởng cũng như phối hợp trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Phòng tâm lý học đường của trường có tiến hành các đợt khảo sát tâm lý để biết HS đang lo lắng, băn khoăn ở đâu, qua đó phối hợp với đội ngũ giáo viên có biện pháp hỗ trợ HS”.
Lớp học “chống liệt”
Theo ông Đàm Tiến Nam, điều mà nhà trường luôn nhắc nhở HS là có trường hợp đủ điểm đỗ ĐH nhưng lại trượt tốt nghiệp vì có điểm liệt của môn lịch sử. “Nhiều HS có tâm lý chỉ chăm chăm cho các môn thi ĐH mà quá lơ là các môn còn lại nên nhà trường phải có một lớp gọi vui là lớp “chống liệt” cho HS, lớp này có một thời gian biểu và kế hoạch phụ đạo đặc biệt”, ông Nam cho hay.
Bà Vũ Thị Hậu cho biết trong các môn thi, sinh và sử là 2 môn có nhiều HS thuộc diện “nguy cơ cao”, nhiều em không chọn môn này để xét tuyển ĐH nên thường có tâm lý chủ quan, chỉ cần học để được 2 điểm, thoát liệt là được. “Nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tổ chức 1 lớp ôn thi đặc biệt cho những HS này, em nào yếu ở môn nào, phần kiến thức nào sẽ được tăng cường hơn, sát sao hơn nhiều so với các lớp khác. Mục tiêu là để chống điểm liệt cho HS”, bà Hậu nói.
Chia nhóm theo “đặc trưng”
Từ nhiều năm nay, Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) triển khai cách ôn tập khá đặc biệt: ngoài thực hiện đại trà, nhà trường còn phân nhóm HS có học lực tốt hơn hẳn và nhóm HS học lực yếu để có biện pháp phù hợp.
Nhà trường gọi là “nhóm đầu cao”, hoặc “nhóm 24+” với những HS được lựa chọn trên cơ sở điểm bài khảo sát có 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống đạt 24 điểm trở lên. Nhà trường chọn ra “nhóm 3+” là HS có điểm môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh rất thấp; “nhóm 5+” dành cho HS có điểm môn khoa học xã hội rất thấp. Nhóm này được giáo viên tập trung ôn tập trong khoảng 1 tiếng mỗi buổi, sau khi ôn tập đại trà.
Chú ý các nội dung được điều chỉnh theo hướng dẫn tinh giản của Bộ
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã ban hành công văn về việc tổ chức dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý các nội dung dạy học đã được điều chỉnh theo hướng dẫn tinh giản của Bộ. Theo đó, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung mà hướng dẫn nêu. “Tuy nhiên, phần “tự học có hướng dẫn” vẫn là nội dung phải thi, các cơ sở GD-ĐT cần lưu ý chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập kiến thức này”, ông Thành lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Hoạt động phụ đạo cho nhóm “đầu cao” và “đầu thấp” được nhà trường thực hiện hoàn toàn miễn phí”. Cũng theo ông Thắng, hiệu quả của cách làm này rất rõ rệt. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết HS ở “nhóm 24+” đều đạt 24 điểm trở lên, nhiều em đạt 26, 27 điểm. Tương tự, với “nhóm 3+”, “nhóm 5+”, HS có thay đổi rõ rệt. Các em đều đạt từ 5 điểm trở lên khi tham gia khảo sát toàn tỉnh.
Ông Ma Quang Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Thác Bà, H.Yên Bình, Yên Bái, cho biết: “Do phần lớn HS của trường dự thi nhằm mục tiêu tốt nghiệp THPT nên làm thế nào để các em đạt kết quả tốt nghiệp là yêu cầu đặt ra hàng đầu. Sau kỳ thi thử lần 1, nhà trường đã lọc ra các HS có mức điểm rất thấp (điểm liệt), HS có mức dưới trung bình và HS điểm từ 5 trở lên để có kế hoạch ôn tập phù hợp từng đối tượng. Dù đã nghỉ hè nhưng HS lớp 12 dự kiến sẽ được ôn tập tại trường đến tháng 8, cận ngày thi”. 
Theo Tuệ Nguyễn/TNO