Thứ ba, 26/11/2019, 19h16

Gợi nhớ về lịch sử những chiếc cầu

Vừa qua, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra tọa đàm và biểu diễn văn hóa chủ đề “Tìm hiểu Sài Gòn xưa qua lịch sử những chiếc cầu” với sự tham dự của hơn 200 bạn trẻ và du khách.

Tại tọa đàm, mọi người đã được nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ) ôn lại lịch sử của 6 chiếc cầu lâu đời nhất đang tồn tại ở TP.HCM  ngày nay như: cầu Thị Nghè (1725), cầu Bông (1736), cầu Mống (1893), cầu Bình Lợi (1902), cầu Nhị Thiên Đường (1925), cầu Chữ Y (1938). Nếu những chiếc cầu này là nhân chứng của lịch sử, cùng người dân Sài Gòn vượt qua biết bao thăng trầm của đất nước để khẳng định sức mạnh của mình thì cầu Ánh Sao (2009), cầu Phú Mỹ (2009), cầu Ông Lớn (2004), cầu Khánh Hội (2009)… là biểu tượng của một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, khẳng định TP.HCM luôn đi lên, phát triển và từng ngày đổi mới để theo kịp với thời đại. Và hơn hết, những chiếc cầu ấy đã góp phần phát triển du lịch, là địa điểm lý tưởng để người dân và du khách tìm đến vui chơi, chụp ảnh. “Chiếc cầu là phương tiện kết nối giao thông giúp ích cho sinh hoạt dân sinh, chiếc cầu đã trở thành kỷ niệm đẹp trong lòng người dân về những ngày mưa nắng qua lại, tên chiếc cầu gắn liền tên vùng đất, gắn liền lịch sử địa phương và là biểu tượng văn hóa tiêu biểu của một miền đất” - diễn giả Nhựt Quang chia sẻ.

Tại buổi giao lưu, tiến sĩ - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đã trình bày quá trình phát triển âm nhạc Việt Nam đến các bạn trẻ và nhắc lại những kỷ niệm về chiếc cầu Trương Minh Giản (nay là cầu Lê Văn Sỹ) và đàn tặng cho chương trình bài “Qua cầu gió bay”.

Chương trình kết thúc bằng tác phẩm cải lương “Lãnh Binh Thăng” do diễn giả Nhựt Quang tự sáng tác để nhắc lại tích ông Lãnh Binh Thăng đã cho xây dựng cầu Ông Lãnh ở quận 1 hiện nay (ảnh).

Kiu Khánh