Thứ ba, 18/4/2017, 22h12

Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Chín điểm cần bàn thêm

Với độ dài 57 trang, có thể nhận định chung là bản dự thảo về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã trình bày một cách khoa học, rõ ràng, chi tiết. Nó cho thấy sự “lột xác” cơ bản, sâu sắc về diện mạo giáo dục Việt Nam từ tiểu học đến THPT.

Học sinh tại TP.HCM tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: N.Trinh

Dự thảo đã đưa vào những môn học mới, những hoạt động giáo dục theo hướng tích cực, xây dựng những tổ hợp liên môn có tính khoa học, và phân thành các giai đoạn giáo dục (giáo dục cơ bản lớp 1 đến lớp 9, giáo dục định hướng nghề nghiệp lớp 10 đến lớp 12) là hợp lý… Đặc biệt, dự thảo quán triệt được tinh thần “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông: kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. (Trích Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội). Đây được xem như “kim chỉ nam” để xây dựng chương trình cụ thể cho từng môn học và tiến tới thực hiện biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần chú ý những điểm chưa thỏa đáng sau đây:

Một, trong phần V, mục định hướng về nội dung giáo dục, cần chú trọng thêm việc xây dựng đạo đức, tư tưởng, lối sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh. Phần này nên bắt buộc đưa vào những môn học như ngữ văn, giáo dục công dân, giáo dục khoa học xã hội… Bấy lâu nay khẩu hiệu của chúng ta là “Xây dựng nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. “Tiên tiến” thì ta đang cố gắng phấn đấu, còn “bản sắc văn hóa dân tộc” thì ta khiếm khuyết. Học sinh chúng ta thua kém những quốc gia khác vì người học thiếu sự trang bị về nền tảng cội rễ của văn hóa, thiếu cách ứng xử xuất phát từ bản sắc dân tộc...

Hai, do giai đoạn 2 là giáo dục định hướng nghề nghiệp, cho nên sức ép về gánh nặng chương trình bị dồn xuống giai đoạn 1, nguy cơ về khả năng hạn chế để tiếp nhận kiến thức cơ bản và phải học quá tải cho học sinh tiểu học và THCS là điều dễ hiểu. Vì vậy khi xây dựng chương trình môn học cụ thể để soạn sách giáo khoa cũng cần giới hạn lại kiến thức. Số môn học thì giữ nguyên nhưng nên giảm số tiết xuống.

Ba, trong bộ môn giáo dục khoa học xã hội (lịch sử và địa lý), dự thảo vạch ra theo lộ trình là tìm hiểu từ “đại cương, thế giới, khu vực, Việt Nam” và cuối cùng là “khu vực”. Trình tự như thế là chưa hợp lý, chưa sát với thực tế của các cấp học. Nên đưa việc tìm hiểu “khu vực” vào hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Bốn, các hoạt động về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập và nội dung giáo dục của địa phương về bản chất có phần tương đối giống nhau khi tổ chức ở nhà trường. Cần quy định phân chia hợp lý khi thực hiện để không bị chồng chéo.

Năm, một số môn học và hoạt động giáo dục theo dự thảo có tính tích hợp. Nhưng nhà trường và giáo viên phổ thông bị động hoàn toàn, giáo viên chưa được trang bị kiến thức liên môn. Cho nên khi xây dựng chương trình cụ thể cho từng môn học, cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về môn, phần, số tiết, cách thức tiến hành…

Sáu, một số môn học dễ bị hiểu sai và khi thực hiện cũng không phải dễ dàng đạt được hiệu quả. Ví dụ, môn giáo dục thể chất, hầu hết được hoạt động với tính chất thể dục, thể thao. Trong khi đó môn này còn đòi hỏi về bồi dưỡng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần... Liệu đội ngũ giáo viên thể dục hiện nay có thể đảm trách? Như vậy phải bồi dưỡng làm sao, kết hợp với giáo viên bộ môn khác như thế nào?

Bảy, nên đưa hoạt động giáo dục định hướng nghề nghiệp thành một phần bắt buộc vào chương trình THCS (lớp 9) để phân luồng hợp lý sau khi học xong cấp này.

Tám, việc kết hợp với địa phương, với các thành phần xã hội (doanh nhân, nghệ sĩ…) trong một số hoạt động giáo dục là rất cần thiết. Song chính nó làm nên sự khập khiễng bởi nhiều địa phương có đặc thù riêng, nhiều địa phương khó khăn. Khi ấy phải có sự hỗ trợ về cách làm, về tài chính và cách đánh giá linh hoạt như thế nào để đảm bảo sự công bằng và giáo dục toàn diện.

Chín, theo dự thảo, sau khi hoàn thành các môn học thì nhà trường xét công nhận tốt nghiệp. Thiết nghĩ cũng nên có một đợt khảo sát tổng thể (có cách tính điểm hợp lý) trước khi công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh. Việc này giao cho trường phổ thông, dưới sự quản lý của các sở GD-ĐT.

Trần Ngọc Tuấn