Thứ tư, 1/12/2010, 14h12

GS. Hoàng Xuân Sính: Nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam

Tôi có may mắn được gặp gỡ và nghe GS. Hoàng Xuân Sính phát biểu rất nhiều lần. Nhưng khi tôi đề cập đến vấn đề sẽ viết về bà, GS đã từ chối: “Tôi xin em, tôi già cả rồi. Không khéo, người ta lại bảo bà già lắm chuyện”. Sau một thời gian “đeo bám”, GS đã cho tôi một cái hẹn.
Làng của bà chính là làng Láng nổi tiếng với thứ rau thơm của riêng đất Hà thành - húng Láng. Năm bà lên 8 thì mẹ qua đời. Học cấp 3 được một năm thì bà được gia đình gửi sang Pháp du học theo ý nguyện của mẹ bà. Đến bây giờ, bà cũng không hiểu vì sao, mẹ bà - một người phụ nữ truyền thống chỉ quen thu vén cho gia đình lại có tư tưởng cách tân đến vậy. Trước đó, mẹ bà đã gửi người em trai sang Pháp du học là ông Nguyễn Văn Phúc. Sau này, ông trở thành điểm tựa cho GS. Hoàng Xuân Sính khi sang Pháp. Cũng nhờ tầm nhìn chiến lược này mà ông Phúc đã trở thành một trong hai nhà khoa học của Việt Nam chế tạo được máy bay. Học hết tú tài, bà thi lấy bằng cử nhân khoa học rồi thạc sĩ toán học ở Pháp. Năm 1960, bà quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày đó, Mỹ đang đánh phá miền Bắc ác liệt. Ban ngày bà vừa dạy học, vừa tránh bom. Đêm, bà thắp đèn dầu làm luận án tiến sĩ. Năm 1974, bà hoàn thành luận án và trở lại Pháp lấy bằng tiến sĩ. Bà chính là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ bà nhắc tới điều này.
20 năm để có một ngôi trường

GS. Hoàng Xuân Sính

Câu chuyện về GS. Hoàng Xuân Sính có lẽ sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như bà chỉ là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam, rồi sau đó là một giáo sư toán học. Giữa những năm 80 đất nước mở cửa, đời sống của những nhà giáo khổ hơn bao giờ hết. Bà đã từng đề xuất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (lúc đó là nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) phải thu học phí để cải thiện đời sống cho giáo viên. Nhưng đề xuất này vấp phải những rào cản chính trị thời bấy giờ. Nghĩ chán, bà quyết định xin thành lập trường ngoài công lập. Ngày đó, bà cũng biết rằng một trường ĐH ra đời nghĩa là có một “cái máy ngốn tiền” ra đời. Nhưng điều may mắn cho bà là bà có một đội ngũ Việt kiều bên Pháp cam kết sẽ giúp đỡ đến lúc họ qua đời. Năm 1988, Trường ĐH DL Thăng Long, ĐH DL đầu tiên của Việt Nam ra đời với học phí là 10kg gạo/sinh viên. “Tôi vẫn biết ĐH là một “cái máy ngốn tiền” nhưng không ngờ nó ngốn nhiều đến thế. Những người bạn của tôi bên Pháp tài trợ cho tôi được ba năm thì họ cũng “ngã quỵ” - GS. Hoàng Xuân Sính chia sẻ. Sau khi những người bạn Pháp không còn sức để tài trợ tiếp, bà đã “tay bị tay gậy” lên đường đi khắp châu Âu để xin tài trợ. “Có lần trên đường phố Paris, tôi mệt quá, ngã xuống ngất lúc nào không biết” - GS. Sính cho biết. Bà cứ đi “xin” như thế để trả lương cho các giảng viên trong trường, còn học phí thu chỉ đủ phục vụ các hoạt động khác. Cho đến năm 2007, sau 19 năm thành lập, Trường ĐH Thăng Long có cơ sở vững chắc trên diện tích 2ha và đã có thể tự “sống”. Cũng may cho GS. Sính, vì đến năm 2008 thế giới bước vào khủng hoảng, lúc đó có xin thêm cũng không được. Nghĩ lại suốt chặng đường 19 năm làm dân “cái bang”, GS. Sính có lúc không khỏi rùng mình. “Bây giờ có cho tôi đi tôi cũng chịu” - bà nói. Bài học 20 năm của bà vẫn còn đúng với những ĐH ngoài công lập hiện nay. Bởi theo bà, nếu ai đó nghĩ rằng thành lập ĐH ngoài công lập là thu học phí, lấy một phần thuê lớp học, một phần trả lương cho giảng viên, còn lại là lãi bỏ túi thì hoàn toàn sai lầm. Có lẽ vì ý nghĩ này mà nhiều trường ĐH ngoài công lập trở thành “chảo lửa” mỗi lần họp hội đồng quản trị hoặc rùm beng trên báo chí. Bà cho rằng, theo quy luật chung một trường ĐH ngoài công lập phải mất từ 18-20 năm mới có thể tự sống.
40 năm để có một đội ngũ giảng dạy
Theo GS. Sính, việc bà xây dựng vài ngôi trường như ĐH Thăng Long hiện nay không đáng sợ bằng việc xây dựng đội ngũ giảng dạy. Bởi công việc này sẽ ngốn tiền khủng khiếp. Bà cho biết, khi về làm việc tại ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1960 nhưng mãi đến năm 1978 bà mới đào tạo được một khóa thạc sĩ đầu tiên. Như vậy, ở một trường công lập, có được “viên gạch” đội ngũ đầu tiên cũng phải mất 18 năm. Đối với một trường dân lập như bà, bà đặt ra mục tiêu phải mất 40 năm. Hiện nay, cứ có điều kiện là bà cử người đi học ở nước ngoài. Nhưng người đi thì có, người về thì chưa thấy. Thi thoảng bà lại thấy giảng viên của mình về, bà khấp khởi mừng thầm nhưng hóa ra họ về là để đưa vợ con sang bên đấy và cho bà cái hẹn 10 năm sau. Bà hiểu điều này không đơn giản chỉ là vấn đề tiền lương mà cái quan trọng hơn chính là môi trường làm việc.
Giáo dục ĐH đang gặp nhiều vấn đề. Bài học của GS. Hoàng Xuân Sính có lẽ vẫn chưa cũ cho đến ngày hôm nay.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam, cái tên Hoàng Xuân Sính đã được thế giới cũng như giới khoa học biết đến từ lâu. Là một nhà giáo, lại đào tạo chính các nhà giáo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), GS. Hoàng Xuân Sính hiểu hơn ai hết trách nhiệm của một người thầy và phải mất bao nhiêu năm để một ngôi trường có thể xây dựng được một đội ngũ vững mạnh.