Chủ nhật, 12/1/2020, 12h24

Hàng ngàn học sinh được giải tỏa “cơn khát” thông tin

Hôm nay, 12-1, chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2020 “Cùng bạn quyết định tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM đã thu hút hàng ngàn học sinh TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… tham dự.

Ban tổ chức tặng hoa cho các thành viên ban tư vấn

Nhiều mối quan tâm của học sinh tập trung vào các lĩnh vực ngành nghề như tâm lý học, du lịch, môi trường, công nghệ thực phẩm, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin… Tư vấn, giải đáp cặn kẽ những thông tin trên cho thí sinh là đại diện Ban tư vấn đến từ các trường ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Kiến Trúc TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Phân hiệu ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM, ĐH Hùng Vương, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Tất Thành, CĐ Bách Việt, CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM…

Cơ hội được giải tỏa “cơn khát” thông tin

Nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên Tập Báo Giáo dục TP.HCM) phát biểu tại ngày hội

Mở đầu chương trình, nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên Tập Báo Giáo dục TP.HCM) bày tỏ niềm vui mừng khi ngay từ sáng sớm, chương trình đón tiếp cả ngàn học sinh. Ông Tú nhận định, hàng năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh THPT bước vào ngưỡng cửa chọn nghề, chọn trường ĐH-CĐ để học tập và vào đời. Qua nhiều kênh tìm hiểu thông tin như báo đài, thầy cô, nhà trường, nhiều học sinh đã chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích, sở trường, điều kiện gia đình, đúng nguyện vọng bản thân… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận bạn trẻ “lỡ” chọn ngành sai do có những góc nhìn thiếu chuẩn xác, chưa tìm hiểu thấu đáo về nghề. Điều này dẫn đến hai “cái kết” không như mong đợi, thứ nhất, một phần trong số đó phải mất công “làm lại cuộc đời” bằng việc thi, xét tuyển ĐH-CĐ thêm lần nữa; số khác cố “bám trụ” nhưng ra trường lại thất nghiệp hoặc miễn cưỡng làm công việc không yêu thích.

Học sinh hào hứng giơ tay đặt câu hỏi

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Nói như vậy để thấy, nhu cầu thông tin và việc tiếp cận được kênh thông tin chính xác hết sức quan trọng và ý nghĩa đối với hoạt động chọn nghề, trường học của học sinh. Nhận thấy tầm quan trọng này cũng như góp phần cùng ngành và xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục chung của thành phố, cả nước, nhiều năm qua, Báo Giáo dục TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực để đưa trường học và ngành nghề đến học sinh. Chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” năm nay với sự tham dự của Ban tư vấn đến từ các trường ĐH-CĐ uy tín, chuyên gia thuộc những lĩnh vực dự báo nhu cầu nhân lực, sức khỏe, tâm lý… sẽ cung cấp cho thí sinh, phụ huynh những thông tin quan trọng, cập nhật những nét mới về thi THPT Quốc gia, xét tuyển vào ĐH-CĐ, bức tranh nhân lực trong thời gian tới để các em có cơ sở lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.

Đây cũng là chương trình mở đầu cho chuỗi tư vấn xuyên suốt hơn 20 tỉnh, thành từ TP.HCM đến miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… mà báo sẽ tiếp tục thực hiện vào tháng 3 tới.

Học sinh dùng điện thoại ghi lại nội dung được tư vấn

Học sinh tìm hiểu thông tin tại ngày hội

Sắp bước vào kỳ thi THPT Quốc gia quan trọng nên những thắc mắc liên quan đến kỳ thi cũng như phương thức xét tuyển vào các trường hiện vẫn được nhiều học sinh đặt câu hỏi. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng Việt Nam) cho biết, về cơ bản kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới sẽ được giữ ổn định như mọi năm. Các Sở GD-ĐT sẽ chủ trì tổ chức kỳ thi này, dưới sự phối hợp của những trường ĐH-CĐ. Đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Tuy nhiên ông Nghĩa lưu ý, ở xét tốt nghiệp THPT năm nay, tỷ lệ điểm trung bình lớp 12 chiếm 30%. “Có thể nhiều em lo lắng tỷ lệ này ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp của chính các em, tuy nhiên thực tế, tỷ lệ tốt nghiệp năm trước của cả nước chỉ giảm rất nhẹ dù năm trước có thay đổi tỷ lệ điểm trung bình lớp 12”- ông Nghĩa nói.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng Việt Nam) giải đáp băn khoăn của học sinh

Về xét tuyển, cơ bản các trường cũng giữ ổn định, chủ yếu dùng 3 phương thức cơ bản là xét kết quả thi THPT Quốc gia (năm 2019 cả nước có 75% tương đương 650.000 học sinh xét phương thức này); xét học bạ THPT (năm ngoái hơn 100 trường ĐH xét) và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm 2019, phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM thu hút 50.000 học sinh tham gia, được 33 trường ĐH-CĐ sử dụng. Dự kiến năm nay sẽ có 50 trường ĐH-CĐ sẽ dùng kết quả này xét. Được biết đã có gần 8.000 học sinh đăng ký thi năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay, chỉ sau 5 ngày mở cổng đăng ký.

Không phải vào ĐH mới thành công

Học sinh Nguyễn Ngọc Phú (THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn giữa việc chọn học ĐH hay CĐ, theo em, nếu học CĐ 100% có việc làm thì có nên học ĐH nữa không? Học CĐ ngành nào dễ có cơ hội việc làm trong thời gian tới. Đây cũng là mối quan tâm của không ít học sinh khác.

Học sinh được tư vấn trực tiếp tại gian hàng

Ông Trần Anh Tuấn (Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho hay không hẳn học CĐ là 100% có việc làm. Điều quan trọng, người học phù hợp ngành nghề nào, mức độ đầu tư cho ngành nghề đó ra sao sẽ quyết định sự thành công trong công việc, không phụ thuộc hoàn toàn vào bậc học. “Không phải học ĐH mới thành công còn học CĐ, TC sẽ… thất bại. Có những ngành nghề người này thành công nhưng người khác thất bại và ngược lại. Tôi không khuyên các em học ĐH, CĐ hay TC, điều quan trọng nằm ở giá trị hành nghề. Bậc học nào, người học nào trang bị tốt những kỹ năng nghề nghiệp, có tinh thần kỷ luật, thái độ, nắm công nghệ, ngoại ngữ, giao tiếp sẽ có cơ hội việc làm tốt”- ông Tuấn nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) phát biểu tại ngày hội

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Đánh giá cao chương trình của báo

Tôi đánh giá rất cao Báo Giáo dục TP.HCM trong việc tổ chức những hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH-CĐ cho học sinh liên tục trong nhiều năm nay. Nổi bật trong đó, ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ “Cùng bạn quyết định tương lai” đã luôn cung cấp cho học sinh nhiều thông tin thiết thực, làm cơ sở chọn đúng ngành, trường.

Tại các ngày hội, có thể thấy, sự đầu tư của các trường ĐH-CĐ cũng bài bản, quy mô, thông tin chi tiết, chất lượng về khoa, ngành, chương trình đào tạo… Nếu thu xếp được thời gian, tôi đề nghị các trường THPT tại TP.HCM tập trung, luân phiên đưa học sinh tham gia để việc tư vấn, hướng nghiệp chọn nghề sát với thực tiễn và đúng nguyện vọng của các em.

Liên quan đến câu hỏi của học sinh về chương trình đào tạo ngành thú y, ông Đặng Kiên Cường (Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) thông tin, điểm chú ý là theo học ngành thú y tại trường sẽ được cấp bằng bác sĩ thú y. Ngành này tại trường có 2 chương trình đào tạo đại trà và  tiên tiến. Ở chương trình tiên tiến, người học được học bằng tiếng Anh, tiếp cận nhiều chương trình học bổng các nước, được cấp 2 văn bằng trong nước và của trường đối tác ở Úc. Người học tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở nhiều vị trí như: quản lý chất lượng, xây dựng phát triển sản phẩm thú y, bệnh viện thú y, trung tâm thú hoang dã… Học phí ngành này chương trình tiên tiến 24 triệu đồng/năm, cao hơn so với mức 9 triệu/năm của hệ đại trà.

Mê Tâm