Thứ hai, 19/10/2020, 10h56

Hàng triệu người Mỹ sống chung với khói cháy rừng nguy hiểm

Theo báo San Francisco Chronicle, đến 10 giờ sáng 18/10, cháy rừng vẫn hoành hành khắp California, tiếp tục xuất hiện những đám cháy lớn do sét đánh ở phía bắc tiểu bang. Đám cháy Creek đã lan rộng gần 350.000 mẫu Anh và làm bị thương 3 nhân viên cứu hỏa, cháy rừng dẫn đến mất điện khắp vùng Vịnh San Francisco và nhiều khu vực rộng lớn ở California.

Linh cứu hỏa đốt hành lang thực vật để ngăn cháy rừng khi đám cháy Creek tiến đến gần hồ Marina - Ảnh: Los Angeles Times
Linh cứu hỏa đốt hành lang thực vật để ngăn cháy rừng khi đám cháy Creek tiến đến gần hồ Marina - Ảnh: Los Angeles Times

Cháy rừng không dừng bước ở các tiểu bang Bờ Tây – California, Oregon và Washington – ngọn lửa còn di chuyển sang phía đông, lan sang các tiểu bang Arizona và Colorado, và ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu bang Idaho và Montana.

Ở Arizona, chính quyền đã ra lệnh sơ tán một cộng đồng miền núi, cách thành phố Phoenix khoảng 130km, trong khi ở Colorado gió lớn thổi bùng ngọn lửa tràn qua các vùng nông thôn và người dân được dự báo đây là trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử Colorado, đám cháy có khả năng sẽ gây tác hại khôn lường.

Cháy rừng tạo ra những đám khói dày đặc khi thiêu rụi diện tích đất khổng lồ ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ khiến hàng triệu người phải đối mặt với các mức độ ô nhiễm nguy hiểm, làm tăng đột biến các ca cấp cứu, đặc biệt có thể gây ra nhiều ca tử vong đối với người già.

Hãng tin AP – trên cơ sở phân tích dữ liệu ô nhiễm và phỏng vấn các bác sĩ, nhà chức trách y tế và các nhà nghiên cứu – đã đưa ra báo động về nguy cơ của khói cháy rừng đối với sức khỏe con người.

AP đưa ra thông tin đáng báo động về tác hại của cháy rừng đối với sức khỏe các cộng đồng dân cư ở 5 tiểu bang miền Tây nước Mỹ - Ảnh: AP
AP đưa ra thông tin đáng báo động về tác hại của cháy rừng đối với sức khỏe các cộng đồng dân cư ở 5 tiểu bang miền Tây nước Mỹ - Ảnh: AP

Phân tích của AP cho thấy khói ở nồng độ đứng đầu bảng xếp hạng của chính phủ về các nguy cơ đối với sức khỏe. Cháy kéo dài ít nhất một ngày, bao trùm hơn 8 triệu người tại 5 tiểu bang.

Các thành phố lớn ở Oregon, nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, tháng trước đã phải hứng chịu mức ô nhiễm cao nhất từng được ghi nhận, khi gió mạnh làm bùng phát các đám cháy ở các khu vực hẻo lánh và đẩy ngọn lửa đến rìa thành phố Portland đông dân cư. Các quan chức Oregon cho biết khói độc làm phát sinh trong cộng đồng nhiều biến chứng y tế, mỗi ngày có thêm hàng trăm ca cấp cứu do các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, khó thở.  

Đám cháy Glass thiêu rụi các cánh đồng trồng nho ở hạt Napa - Ảnh: Cal Fire LNU
Đám cháy Glass thiêu rụi các cánh đồng trồng nho ở hạt Napa - Ảnh: Cal Fire LNU

Hầu hết các bệnh nhân của nhà nghiên cứu bệnh học Martin Johnson ở Salem sẽ hồi phục, nhưng ông cho biết một số có thể bị mất chức năng phổi vĩnh viễn. Một số nạn nhân mà Johnson nghi ngờ chết vì đau tim hoặc do chất lượng không khí kém, mặc dù nguyên nhân tử vong của họ không đề cập đến khói cháy rừng.

Một nghiên cứu mới nhất của Đại học Stanford (California), ước tính riêng ở California có tới 3.000 người trên 65 tuổi chết sớm sau khi tiếp xúc với khói trong khoảng thời gian 6 tuần kể từ ngày 1/8.

Theo các nhà nghiên cứu Đại học Washington, chỉ trong vài tuần không khí ô nhiễm nặng do cháy rừng đã gây ra   hàng trăm ca tử vong ở tiểu bang này.

Theo Shawn Urbanski, một nhà khoa học về khói của Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ, cho biết một đám cháy có thể tạo ra nhiều hạt (bụi) gấp 10 lần so với tất cả các nguồn ô nhiễm khác bao gồm khí thải xe hơi và sản xuất công nghiệp. Các đám cháy khu vực Bờ Tây đã phát thải hơn một triệu tấn hạt trong các năm 2012, 2015 và 2017, và gần nhiều bằng năm 2018 - năm một vụ cháy ở Paradise (California) đã giết chết 85 người và thiêu rụi 14.000 ngôi nhà, tạo ra một đám cháy dày bao trùm phía Bắc California trong nhiều tuần.

Một loạt các sự kiện khí tượng đã làm cho khói cháy rừng đặc biệt tồi tệ trong năm nay, khiến khói là là sát mặt đất và không thể thoát ra trong nhiều ngày. Ở San Francisco, khói biến ngày thành đêm, tạo ra một tấm màn màu cam kỳ lạ trên thành phố.

Phân tích của AP về mức độ tiếp xúc với khói dựa trên dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ được tổng hợp từ hàng trăm trạm giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu điều tra dân số được sử dụng để xác định số lượng người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

Theo phân tích của AP, ít nhất 38 triệu người sống ở các hạt bị ô nhiễm được coi là nguy hiểm đối với sức khỏe. Con số đó bao gồm hơn 25 triệu người ở California, 7,2 triệu người ở Washington, 3,5 triệu người ở Oregon và 1,229 triệu người ở các tiểu bang Idaho và Montana.

Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp xúc với khói cháy rừng gây nên những vấn đề sức khỏe lâu dài, giảm chức năng phổi, suy yếu hệ thống miễn dịch và tỷ lệ mắc bệnh cúm cao hơn.

Theo Việt Hưng/PNO