Thứ hai, 20/6/2016, 14h04

“Hành trình” của bốn trái thủy lôi

Chiến hạm Balon Ronghe Victory của Mỹ bị đánh chìm ở sông Lòng Tàu ngày 23-8-1966 bởi hai trái thủy lôi được các chiến sĩ tàu không số chuyển từ Bắc vào Nam.

 

Đó là chiến hạm có trọng tải hàng vạn tấn của lực lượng hải quân Mỹ chở thiết giáp, máy bay chiến đấu và hàng vạn tấn hàng. Trước đó, ngày 2-5-1964 lực lượng biệt động Sài Gòn cũng đã dùng 80kg thuốc nổ TNT, đánh chìm chiến hạm Mỹ US CARD tại cảng Sài Gòn. Vũ khí của tàu không số vào đến tay chiến sĩ quân giải phóng miền Nam đã phát huy đúng chức năng như thế đấy.

Đường vào Nam

Ông Nguyễn Văn Ba trong lần về thăm Rừng Sác, nơi ông cùng đồng đội giao bốn trái thủy lôi

Sau sự kiện Vũng Rô tháng 2-1965, con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông bị lộ, quân đội Mỹ tổ chức lực lượng với quy mô lớn, tuần tra phong tỏa biển Đông, không chỉ ven bờ mà cả ngoài hải phận quốc tế, nhanh chóng phân tích để tìm ra các bãi đậu ven biển, tuần tiễu các cửa sông, không quân theo dõi sát sao từng con tàu trên biển, cài đặt hệ thống ra đa, làn sóng vô tuyến hiện đại dò nhận sóng điện thông tin. Hải quân Mỹ từ Hạm đội 7 vào tham gia, trang bị tối đa cho công việc canh giữ vùng biển. Giai đoạn này, tàu của chúng ta đã gặp nhiều khó khăn gian khổ mất mát hy sinh. Nhưng ý chí quyết tâm của cán bộ và các chiến sĩ Đoàn 125 vẫn không hề lay chuyển.

Sau những chuyến trinh sát biển Đông để tìm ra con đường vận chuyển mới, đêm 15-10-1965 tàu 42 được lệnh lên đường vào Cà Mau. Tàu cải trang tàu đánh cá của một số nước Đông Nam Á. Lênh đênh trên biển 5 ngày, tàu đã gặp một khu trục Mỹ bám theo và giở nhiều trò đe dọa khiêu khích. Do khéo ngụy trang và ứng xử thông minh, tàu 42 vẫn đi đúng hành trình. Tuy nhiên, khi chuẩn bị hướng vào bờ thì được báo tin, khu vực tàu vào có nhiều tàu địch. Tàu 42 lại quay ra, lang thang ngoài hải phận bốn ngày nữa.

Đêm 24-10, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Ngọc Ẩn được lệnh cho tàu vào bến phụ là rạch Kiến Vàng, không vào cửa Bồ Đề như dự kiến trước. Thuyền trưởng Cứng sinh ra ở vùng Ngọc Hiển, Năm Căn lại với kinh nghiệm từ nhiều chuyến tàu chở vũ khí trước, đã hướng dẫn con tàu vào vị trí an toàn. Sau thời gian dài vắng bóng, hôm nay Đoàn 962 lại được đón tàu chở vũ khí vào, 60 tấn vũ khí trong tay, nỗi vui mừng thật không thể nào kể xiết.

Bến miền Nam, là cửa sông lạch vùng rừng ngập mặn, bước một bước là sình lầy ngập rốn, vận chuyển ban đêm, không máy không điện, không cẩu tời, kho bãi không một tấc bê tông, chỉ có hai bàn tay và cây đước hợp sức. Thứ nào nặng thì nhiều bàn tay và khối óc sáng tạo. Đoàn 962 trong suốt hàng chục năm dài đón nhận vận chuyển vũ khí từ bến đến khắp mặt trận Nam bộ cũng trải qua gian lao nguy hiểm không kém gì đoàn tàu không số.

Trong 60 tấn vũ khí trên tàu, có bốn quả thủy lôi. Quân khu 9 cần nó để thực hiện kế hoạch đánh chiến hạm Mỹ trên sông Lòng Tàu. Tàu vận chuyển vũ khí vào đến bến đã biết bao gian nan nguy hiểm, chuyện bốn trái thủy lôi được vận chuyển từ tàu xuống bến, từ bến đi các nơi cần nó, còn thêm bao chuyện ly kỳ nữa.

Vật lộn với thủy lôi

Ông Huỳnh Văn Nữa, người có mặt trên chuyến tàu chở bốn trái thủy lôi về Rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM)

Bốn trái thủy lôi từ tàu lên bờ là cả vấn đề khó, sáng kiến sử dụng những cây đước lớn làm đòn bẩy. Dây ròng từ sừng trái thủy lôi cột lên ngọn đước, cùng một lúc những cây đước cúi xuống, cong mình “cẩu” hỗ trợ bàn tay người cái khối sắt tròn khổng lồ ấy lên. Các khúc cây làm con lăn cho quả thủy lôi trượt lên bờ. Còn từ bờ vận chuyển tới nơi cất giấu thật khốn khổ. Nó tròn trùng trục, dính sình trơn tuồn tuột, trầy trụa còn khó hơn kiến tha trái táo. Tưởng chào thua, nhưng chính trái thủy lôi lại cúi chào các chiến sĩ. Một du kích trẻ măng mặt búng văng sữa, than: “Gớm, sao đạn gì mà to tổ chảng thế, súng ống nào cho vừa”. Bác du kích già cười sặc sụa: “Đạn này để bắn chim rừng Cà Mau đó mày, được không? Đây là bốn trái thủy lôi sừng chạm của Liên Xô, gọi là trái chứ nó nặng tới 1.075kg lại tròn trùng trục như cái thuyền thúng, đường kính tới mét hai. Một đêm, thủy lôi được “cẩu” lên ghe ra đi, trên ghe phủ đầy củi đước.

Trong khi vận chuyển, có quả lại bị rơi tuột xuống lòng rạch, làm sao vớt nó lên. Trên cạn có cơ để vần trượt, còn dưới nước thì vô phương. Tưởng bó tay nhưng “Cái khó ló cái khôn”, người quen nghề thuyền ghe bật ra sáng kiến. Một chiếc ghe được nhấn chìm xuống cạnh trái thủy lôi. Bốn người lặn xuống vần nó vào ghe. Nhiều người cùng nâng ghe lên mặt nước, có nước hỗ trợ nên nhẹ hơn. Sau đó mọi người xúm lại vừa nâng vừa tát nước trong ghe ra, thế là ghe nổi lên. Người và ghe lại tiếp tục vận chuyển. Ghe đưa ra cửa biển, ngược sóng lên hướng Bắc, máy bay trinh sát bay lượn trên đầu, nhưng thấy ghe quá nhỏ, trời tối, nên nó bỏ qua.

Ghe nhỏ như chiếc lá trước sóng biển ầm ào đe dọa thật khủng khiếp, trong sông rạch còn được, ra biển đúng là ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng còn có cách nào hơn nên đành liều, ghe khẳm sóng lớn, nó mà chìm xuống biển là mất toi; còn nguy hiểm nữa khi trên bờ du kích địa phương cứ ngỡ là thám báo nên liên hồi nã súng vào ghe. Giải phóng quân, du kích, từ thủ trưởng đến lính toàn mặc áo bà ba đen, xám, chân đất đầu trần quần xăn quá gối, xuất đầu lộ diện toàn ban đêm, làm gì có quân phục mà phân biệt. Không được báo trước nên anh em du kích trên bờ tưởng thám báo địch, cứ bắn xuống ghe, thật khổ hết biết, phải gào khan cổ họ mới ngưng bắn.

Anh Tám Sơn đã tính toán đâu vào đấy cả. Khi trái thủy lôi đến chỗ cần làm nhiệm vụ của nó, đặc công lắp ráp cài đặt xong, liền đục đáy ghe, cho ghe và thủy lôi cùng chìm xuống lòng sông, nằm đó chờ.

Bốn trái thủy lôi hẳn là được sản xuất và vận chuyển tại nơi có máy móc phương tiện hiện đại hoành tráng, tàu không số vượt biển Đông bao gian nguy mới đưa vào đến đây, thật khổ cho nó phải vật lộn trầy trụa trong bùn nước sình lầy, với hai bàn tay và ghe xuồng Nam bộ. Vậy mà nó cũng đến được đúng nơi nó sẽ phát huy công dụng.

T.Anh - T.Đồng
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Ba
và ông Huỳnh Văn Nữa)