Thứ hai, 29/6/2020, 16h13

Hiểu mình để thành công!

Xu hướng chọn lựa các chương trình liên kết được nhiều người học ưu tiên trong mùa tuyển sinh năm 2020. Thế nhưng, để chuyển tiếp thành công, người học cần phải hiểu được mình muốn gì, chứng minh được mình trưởng thành như thế nào.

Chuyên gia giải đáp thắc mắc về ngành nghề đào tạo cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền

Đây là một trong những lưu ý được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cuối tuần qua tại Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11). Chương trình có sự phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).

Chọn ngành nghề theo đam mê: chưa xác định được đam mê thì chọn ngành nghề như thế nào?

Thông tin về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho hay, kỳ thi năm nay Bộ GD-ĐT đã phân cấp thi tốt nghiệp cho các trường THPT, trao tính chủ động cho các trường ĐH. “Thời điểm này khi học sinh đã hoàn thành xong hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ, các em cần phải lưu ý các mốc thời gian của kỳ thi, điều chỉnh nguyện vọng, để có thể phân bố quá trình ôn luyện kiến thức ở các tổ hợp môn một cách khoa học, tránh trường hợp đến gần ngày thi mới ôn sẽ gây áp lực”, ông Kỳ khuyên.

Ông Kỳ cũng lưu ý học sinh, trong lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các em cần phải hết sức cân nhắc, dựa vào điểm thi và điểm chuẩn của các trường trong những năm trước để đặt nguyện vọng phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là chọn được ngành học phù hợp với bản thân. “Năm 2020, các trường bỏ tuyển sinh TC sư phạm mầm non, chỉ tuyển từ CĐ sư phạm mầm non đồng thời tiếp tục duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm và sức khỏe nên học sinh cũng cần phải chú ý. Với các trường kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và học bạ của hai ngành sức khỏe và sư phạm thì yêu cầu học bạ lớp 12 phải là học sinh giỏi”, ông Kỳ cho biết.

Giải đáp băn khoăn của học sinh về việc chọn ngành nghề, rằng khi chọn ngành nghề theo đam mê nhưng nếu bản thân chưa biết rõ đam mê thì chọn như thế nào? Ông Kỳ khẳng định, để chọn được ngành nghề phù hợp thì cần đánh giá bản thân mình có đam mê, sở trường gì, năng lực gì. Khi chưa xác định được đam mê thì các em phải hiểu được mình trước, hiểu về ngành nghề và các xu thế ngành nghề hiện nay. “Để hiểu được bản thân  thì các em phải đánh giá mình ở nhiều góc độ. Tự mình đánh giá, đánh giá thông qua bạn bè, thầy cô, tham khảo thêm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Từ những đánh giá, nhìn nhận một cách tổng quát xem mình có thế mạnh, sở trường gì để chọn lựa. Cùng với đó các em cũng phải tìm hiểu xem ngành nghề đòi hỏi những tố chất gì để khớp với năng lực, cộng với xu thế ngành nghề hiện nay để chọn ra ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, dù chọn ngành nghề nào, các em cũng cần phải luôn có khả năng tự học để “sống sót” với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Học chương trình liên kết: làm thế nào thành công khi chuyển tiếp?

Xu hướng lựa chọn chương trình liên kết trong mùa tuyển sinh năm 2020 được nhiều học sinh ưu tiên do những lo ngại của dịch Covid-19 đối với các chương trình du học. Lợi thế của các chương trình liên kết là có sự đa dạng, học phí vừa phải, người học có lộ trình chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ để dễ dàng hòa nhập với môi trường mới.

Chuyên gia tư vấn thông tin cho phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền

Năm 2020, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tiếp tục triển khai chương trình liên kết theo nhiều hình thức: liên kết 2+2, liên kết 4+0, chương trình chuyển đổi tín chỉ… với những trường ĐH danh tiếng đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Với các chương trình liên kết, trường không yêu cầu đầu vào tiếng Anh nhưng trong suốt quá trình học sẽ có các chương trình nâng cao tiếng Anh cho người học, đồng thời yêu cầu đầu ra đạt IELTS từ 6.5 trở lên. Tương tự, mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng duy trì chương trình liên kết đối với Khoa y Việt - Đức. Chương trình được liên lết với ĐH Y khoa của Cộng hòa liên bang Đức. Để xét tuyển vào chương trình này, học sinh phải đảm bảo điều kiện tiếng Anh và vượt qua kỳ phỏng vấn trực tiếp.

Tuy nhiên, khi lựa chọn học các chương trình liên kết, làm thế nào để thành công sau khi chuyển tiếp lại là băn khoăn được nhiều học sinh đặt ra. Bà Lê Phương Uyên (Trưởng bộ phận đối ngoại, Phân hiệu ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) chia sẻ, người học cần dựa vào yếu tố năng lực tiếng Anh để hòa nhập. Đặc biệt là sự trưởng thành về mặt con người, xem mình muốn gì, kế hoạch tương lai ra sao, bản lĩnh như thế nào để chinh phục được… lãnh sự quán nước sở tại.

Nên tận dụng tất cả các phương thức xét tuyển

Theo ThS. Trần Minh Tuấn (đại diện Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), năm 2020 hầu hết các trường ĐH đều giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là tăng chỉ tiêu bằng nhiều phương thức xét tuyển khác. Vì vậy, để tăng khả năng trúng tuyển với các ngành học, trường học mình yêu thích, học sinh nên tận dụng tất cả các phương thức xét tuyển.

Năm 2020, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn xét tuyển qua phương thức kết hợp học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, học bạ học kỳ I lớp 12 đạt từ 5.0 trở lên cùng điểm tổ hợp 3 môn toán, văn, tiếng Anh hay văn, sử, địa. ThS. Nguyễn Văn Định (đại diện nhà trường) cho biết học sinh cân nhắc xem tổ hợp nào đạt kết quả cao thì xét tuyển. “Để trở thành hướng dẫn viên du lịch thì sau khi tốt nghiệp, dù ĐH hay CĐ, người học cũng phải thi chứng chỉ nghiệp vụ do Tổng cục Du lịch tổ chức. Với hướng dẫn viên nội địa thì không cần ngoại ngữ, còn hướng dẫn viên quốc tế thì có đòi hỏi về ngoại ngữ nhưng không nhất thiết phải là tiếng Anh”, ông Định bổ sung.

Theo ông Định, khi đã xác định được ngành học thì dù bậc ĐH hay CĐ cũng đều có thể phù hợp. Do đó, các em nên tận dụng nhiều phương thức, cân nhắc ở nhiều môi trường học để có thể học được ngành nghề mình yêu thích.

Bài, ảnh: Yến Hoa