Thứ ba, 11/8/2020, 21h18

Hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Theo đó, các hoạt động khuyến công bao gồm đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn gắn lý thuyết với thực hành theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động; đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để hình thành đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn. Kinh phí này cũng được chi hỗ trợ hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; đào tạo khởi sự doanh nghiệp; thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại địa bàn khó khăn mới thành lập cũng được chi hỗ trợ thành lập, không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp. Đồng thời chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn (không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu). Chi hỗ trợ để hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp (tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cụm liên kết).

T.Anh