Thứ ba, 31/3/2020, 19h38

Học khối C nên theo ngành nào?

Các chuyên gia tham gia chương trình

Trong chương trình tư vấn trực tuyến 2020 “YOUR FUTURE - YOUR CHOICE” về nhóm ngành kiến trúc - mỹ thuật - xã hội nhân văn do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức mới đây, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh - Truyền thông, HUTECH) cho biết khối C được coi là khối thi truyền thống. Nếu như trước đây, theo đuổi khối C là bước vào lối đi hẹp khi có ít ngành đào tạo cũng như cơ hội việc làm thì hiện nay khối thi này đã mở rộng hơn rất nhiều, do nhu cầu nhân lực xã hội nhân văn cần ở nhiều ngành nghề từ kinh doanh, du lịch, lữ hành… Cùng với nhu cầu nhân lực nhiều, các tổ hợp có sự xuất hiện của bộ môn trong khối thi này cũng đa dạng hơn. Thí sinh có thể theo học các ngành như tâm lý học, Việt Nam học, Đông phương học, ngôn ngữ, du lịch, luật, thương mại điện tử, marketing… “Cơ hội lựa chọn ngành nghề rất đa dạng, ở nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng là các em cần tìm hiểu kỹ từng ngành nghề, xem ngành nghề nào phù hợp với bản thân, điều kiện kinh tế gia đình”, ThS. Dung nói.

Điểm qua một số ngành nghề cụ thể trong khối C được nhiều thí sinh lựa chọn hiện nay như Đông phương học, Việt Nam học hay thiết kế thời trang, TS. Trịnh Viết Then (Phó viện Trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn, HUTECH) chỉ ra: Ngành Đông phương học tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các nước phương Đông. Tại HUTECH, Đông phương học sẽ học về Hàn Quốc học, Nhật Bản học và Trung Quốc học. Học ngành này, ngoài việc học về kỹ năng, văn hóa, ngôn ngữ các nước, sinh viên còn được trang bị một số nghiệp vụ về du lịch, thư ký văn phòng, ngoại giao để tăng thêm cơ hội nghề nghiệp. Với ngành Việt Nam học, người học sẽ được trang bị về văn hóa ngôn ngữ, lịch sử của Việt Nam, từ đó làm rõ những nét độc đáo, riêng biệt so với các quốc gia khác. Đây là ngành học có vai trò, vị trí rất lớn, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ngoài kiến thức văn hóa, người học còn được trang bị các kiến thức bổ trợ về nghiệp vụ báo chí, văn phòng, du lịch, đồng nghĩa với việc mở rộng cơ hội ngành nghề. Trong khi đó, ở ngành thiết kế thời trang, ThS. Trịnh Thị Hồng Mỹ (Phó Trưởng khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, HUTECH) cho biết trong ngành này, bên cạnh kiến thức chuyên môn, người học còn được trang bị nhiều kiến thức khác như quản lý thương hiệu, kinh doanh thời trang và style, thích hợp để khởi nghiệp, theo đuổi và xây dựng thương hiệu, kinh doanh thời trang riêng.

Trao đổi thêm, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết kiến trúc - mỹ thuật - xã hội nhân văn là 3 trong nhiều ngành đào tạo tại HUTECH năm 2020. Để theo học các ngành trên cần những tố chất mang tính đặc thù riêng biệt. Trong đó, ngành kiến trúc - mỹ thuật cần phải có năng khiếu thẩm mỹ, tư duy sáng tạo, thiên hướng nghệ thuật… Giải đáp cơ hội việc làm trong nhóm ngành xã hội trước xu hướng tự động hóa, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực) khẳng định, tự động hóa robot sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, giúp tiết kiệm sức lao động và nâng cao năng suất lao động. Với nhóm ngành kiến trúc - mỹ thuật - xã hội nhân văn, theo dự báo, hai thập niên nữa sẽ có khoảng 56% việc làm bị mất đi, nhất là việc đơn giản. Tuy nhiên, tự động hóa chỉ làm được những công việc lặp đi lặp lại, vì robot sẽ không làm được những công việc sáng tạo. “Robot thay thế được nhiều việc nhưng với sự sáng tạo thì không được. Do đó, tự động hóa đòi hỏi con người phải sáng tạo hơn, tư duy hơn trong tất cả các ngành nghề, không riêng gì nhóm ngành kiến trúc - mỹ thuật - xã hội nhân văn”, ông Tuấn nói.

Bài, ảnh: Quang Long