Thứ ba, 1/12/2020, 19h34

Học sinh dựng phòng nghệ thuật để học tiếng Anh

“Art Gallery” - Phòng trưng bày nghệ thuật - là “công trình” vừa được học sinh Trường THCS Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) xây dựng, thiết kế với hàng trăm sản phẩm mô hình handmade ở nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau. Công trình nằm trong dự án dạy học tiếng Anh do Tổ tiếng Anh nhà trường phát động với phương châm “English-STEAM-Design thinking” (tạm dịch: tư duy thiết kế, giải quyết vấn đề).


Hc sinh t tin thuyết trình v sn phm trong Art Gallery

Dự án được triển khai trong vòng 1 tháng (từ 26-10 đến 27-11). Điểm độc đáo của dự án là đi cùng với mô hình, học sinh còn phải thuyết trình bằng tiếng Anh về thông điệp của mô hình đó. Đồng thời, kết hợp với một loại hình nghệ thuật để truyền tải rõ hơn thông điệp. Bằng cách này, dự án hướng tới đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh, trao cho học sinh cơ hội được sáng tạo, thể hiện mình, phát huy năng lực, hình thành tư duy giải quyết vấn đề cho học sinh, đặc biệt là tiếp cận đánh giá học sinh theo hướng mới.

“Các sản phẩm thiết kế của học sinh rất đa dạng, từ chủ đề biển, chủ đề quốc gia, chủ đề hoa cho đến những vấn đề thời sự. Mỗi sản phẩm đều độc đáo, gắn theo đó là những câu chuyện về tính nhân văn, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nhất là không đơn thuần chỉ là sản phẩm handmade, nhiều mô hình còn được học sinh vận dụng tích hợp kiến thức của các bộ môn khác như vật lý, toán, tin… nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sống”, cô Nguyễn Thị Bích Chi (giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Vân Đồn) chia sẻ.

Là tác giả của mô hình Guồng nước giã gạo, Võ Ngọc Bảo Di (lớp 9A2) cho biết, mô hình muốn gửi đi thông điệp về sự cần cù, chăm chỉ để đạt đến thành công. “Guồng nước giã gạo có 2 phần một là guồng nước quay và hai là hình ảnh người đang giã gạo. Và cả 2 mô hình này đều ở trạng thái động được em thiết kế dựa trên nguyên lý truyền chuyển động của môn vật lý. Nguyên liệu để thiết kế mô hình phần nhiều đều từ các vật liệu tái chế như tre, gỗ, ống hút, chai nhựa, hướng tới thông điệp về bảo vệ môi trường”.

Với mô hình Bệnh viện dã chiến được thiết kế gồm 1 mô hình bệnh viện và 1 mô hình xe cứu thương đa chức năng. Đại diện nhóm thiết kế, Trần Ngọc Quốc Bảo (lớp 9A1) cho hay, mô hình được làm chủ yếu từ các vật liệu tái chế, dựa hoàn toàn từ trí tưởng tượng của nhóm, hướng tới một nền y tế hiện đại nhất và giàu tính nhân văn. “Tiết mục minh họa cho mô hình là một vở nhạc kịch, kể về một bệnh nhân tuyệt vọng khi mắc phải Covid-19 nhưng đã được các y bác sĩ động viên, chữa trị. Qua tiết mục, nhóm cũng nhắn nhủ mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19”, Bảo nhấn mạnh.

Theo cô Lê Thị Thùy (Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn), những sản phẩm thiết kế của học sinh trong Art Gallery sẽ được trưng bày để học sinh xem, đồng thời sẽ được triển lãm, bán trong buổi họp phụ huynh sơ kết HKI. Số tiền thu được sẽ dùng để trao học bổng cho học sinh khó khăn và gây quỹ hoạt động Đội.

Tin, ảnh: Yến Hoa