Thứ ba, 26/5/2020, 10h14

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020: Bước chuyển mới của ngành xuất bản

Thống kê sơ bộ cho thấy, Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên tổ chức đã đạt được những kết quả khả quan, mở ra một nấc thang mới cho ngành xuất bản.

Sau một tháng diễn ra Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 (khai mạc ngày 19/4), ban tổ chức quyết định kéo dài thời gian hội sách thêm 20 ngày (so với thời gian dự kiến kết thúc ban đầu là ngày 20/5).

Cách làm mới cần phát huy 

Theo tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 hiện đã thu hút hơn hai triệu lượt xem, 6.000 đơn đặt hàng và hơn 10.000 bản sách được vận chuyển (miễn phí, mỗi đầu sách được giảm giá 25%) đến bạn đọc. Đặc biệt, 50% các đơn hàng không phải đến từ Hà Nội hay TP.HCM mà là các tỉnh, thành, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là điều khá bất ngờ; thống kê cũng cho thấy nhu cầu đọc sách của bạn đọc các tỉnh, thành là rất lớn.

“Không kể các thành phố lớn, lợi ích lớn nhất của hội sách trực tuyến lần này có thể nói với các tỉnh, thành là rất quan trọng. Nhiều tác phẩm hay được bán với giá thành phù hợp với bạn đọc vùng sâu, vùng xa” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt, một trong những diễn giả khách mời giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 nhận định. 

Tiếp tục phát triển theo hướng truyền thống đồng thời kết hợp hình thức trực tuyến là kỳ vọng của nhiều nhà làm sách

Trang www.book365.vn của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trước đó có giao diện khá đơn giản, nguồn sách cũng không thể so sánh được với lượng sách phong phú trên các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, khi được thiết kế lại phục vụ Hội sách trực tuyến quốc gia, giao diện www.book365.vn sinh động hơn nhiều. Bạn đọc dễ dàng tìm kiếm tác phẩm theo những phân loại danh mục hoặc theo chủ đề.

Trong một thời gian ngắn, ban tổ chức cho thiết kế lại giao diện, cập nhật danh mục sách của 50 đơn vị làm sách - xuất bản tham gia. Cuộc chạy đua đầy thử thách với tiến độ khiến không ít nhà làm sách lo ngại, nhưng những gì đạt được sau hơn một tháng hội sách đã cho thấy kết quả bước đầu như vậy là rất đáng khích lệ. Hầu hết, các đơn vị tham gia đều tuyển chọn những tựa sách hay, tiêu biểu của đơn vị giới thiệu tại Hội sách trực tuyến quốc gia.

Cũng nhờ vậy mà danh sách tác phẩm được bạn đọc mua nhiều nhất tại hội sách cũng rất khác với những “top” sách bán chạy trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Lược sử loài người, Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến thuật quản lý thời gian, Bí mật của nước, Tôi tự học… là những tựa sách được mua nhiều nhất tại hội sách lần này. 

Nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, đây là một cách làm khá mới và đặt kỳ vọng: “Thời đại công nghệ, phương thức đọc truyền thống có thể giảm, nhưng văn hóa đọc vẫn đang phát triển. Phương thức đọc đã thay đổi, sách điện tử, xuất bản trực tuyến đang góp vai trò quan trọng, ngành xuất bản phải quan tâm đến điều này để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của độc giả trong thời đại công nghệ”.  Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đức Cường cùng quan điểm: “Giao lưu trực tuyến theo công nghệ mới tại hội sách trực tuyến lần này là cách làm nên được tiếp tục, khuyến khích tổ chức thường xuyên hơn nữa”. 

“Không nhất thiết phải định kỳ hằng năm, mà Hội sách trực tuyến quốc gia có thể tổ chức thành từng đợt, theo mùa, những dịp nghỉ hè, Giáng sinh chẳng hạn. Khi đã có một kênh tổ chức hội sách chính thống, việc quy tụ các đơn vị làm sách, nhà xuất bản tham gia cũng dễ dàng, lan tỏa hơn nhiều so với nỗ lực tổ chức hội sách online (trực tuyến) của một đơn vị xuất bản, kinh doanh sách tư nhân” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt nói thêm.

Hội tụ giá trị

Cũng là lần đầu tiên, chỉ trong một thời gian ngắn, bạn đọc có thể kết nối tham gia nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện với các diễn giả là những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Khoảng 30 khách mời là lãnh đạo, doanh nhân, tác giả và ca sĩ, nhạc sĩ tham gia giao lưu.

Ngoài chia sẻ về sách, nhiều buổi trò chuyện theo chủ đề cũng rất được quan tâm: như buổi nói chuyện về tình hình biển Đông qua phần giao lưu của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, tọa đàm ”Báo chí - xuất bản trong thời đại 4.0”, buổi nói chuyện chủ đề ”Làm thế nào để bạn đọc yêu sử hơn?” khá bổ ích; cùng các buổi giao lưu với các nhà văn, nhà thơ: Trần Mai Hạnh, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Tiến Thụy, Dương Thụy, Nguyễn Phong Việt… Một lượng thông tin kiến thức, trao đổi hữu ích dành cho bạn đọc suốt hơn một tháng diễn ra hội sách như một cuộc hội tụ những giá trị chắt lọc, rất đáng quan tâm. 

Một trong những điều thú vị của Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 (so với các hội sách trực tuyến giảm giá quy mô nhỏ khác) là độc giả cùng tham gia viết cảm nhận, bình chọn sách hay. Số lượng các tựa sách được người đọc “tín nhiệm” và bình chọn ngày càng được giới thiệu nhiều hơn trên giao diện chính. Rất nhiều tựa sách giá trị nhưng khá im lìm trước đó lại nổi bật trong hội sách trực tuyến thông qua bình chọn của người đọc. 

Phải nói là “trong nguy có cơ”, Hội sách trực tuyến quốc gia như một giải pháp trong giai đoạn dịch bệnh, lại mở ra cơ hội mới cho ngành xuất bản. Những buổi giao lưu tác giả - tác phẩm trực tuyến bằng livestream được các đơn vị làm sách quan tâm hơn. Thái Hà Books tiếp tục duy trì chương trình ”Góc sách”. Nhiều chương trình livestream giới thiệu sách của nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, công ty sách Đông A, OmegaPlus ngày càng thu hút người xem.

Riêng Nhã Nam vừa bắt đầu khởi động dự án ”Bàn tròn văn học”, với chuỗi giao lưu qua livestream trên fanpage đơn vị và trên nền tảng ứng dụng Zoom. Chương trình giao lưu đầu tiên với chủ đề ”Nhìn thế giới không phải từ phương Tây: tiểu thuyết Murakami và Bolano” ở Việt Nam thu hút gần 300 người theo dõi. Nhiều buổi giao lưu với diễn giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 có lúc thu hút hàng nghìn khán giả, đó là chưa kể các lượt truy cập xem lại. 

Lâu nay, các đơn vị làm sách chưa chú trọng nhiều đến hình thức kết nối trực tuyến. Qua cuộc thử nghiệm lần này, có thể dự báo một bước chuyển mới đầy tín hiệu lạc quan cho ngành sách. 

Theo Lục Diệp/PNO