Thứ ba, 1/10/2019, 09h56

Hợp tác đào tạo theo kiểu ban ơn

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quan hệ hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với trường nghề gần đây đã được cải thiện nhưng chủ yếu vẫn là trường tìm đến doanh nghiệp để 'xin', còn doanh nghiệp đáp lại theo kiểu 'ban ơn'.
Chuyên viên từ các doanh nghiệp giúp huấn luyện thí sinh dự thi kỳ thi tay nghề giỏi thế giới 2019  /// QUÝ HIÊN
Chuyên viên từ các doanh nghiệp giúp huấn luyện thí sinh dự thi kỳ thi tay nghề giỏi thế giới 2019. QUÝ HIÊN
Doanh nghiệp xem đầu tư cho đào tạo là đội thêm chi phí
Theo một báo cáo khảo sát gần đây của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp (DN), gắn đào tạo với đáp ứng nhu cầu thị trường lao động còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Tỷ lệ DN có hoặc thỉnh thoảng hợp tác với trường mới chỉ chiếm 41,5%; DN có hợp tác thường xuyên với trường nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 12,3%, trong khi có đến 46,2% DN không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở GDNN.
Nếu không cải thiện được tình hình thì việc nâng cao chất lượng GDNN sẽ vẫn chỉ là hô khẩu hiệu, bởi theo kinh nghiệm của các nước có hệ thống GDNN phát triển thì muốn đảm bảo hoạt động GDNN có chất lượng, việc thực hiện mô hình gắn kết giữa trường nghề với DN là một tất yếu.
“Hệ thống đào tạo kép của Đức là một ví dụ điển hình tính hiệu quả của mô hình gắn kết GDNN với DN bởi nó cung cấp một cách tiếp cận tuyệt vời để phát triển kỹ năng. Theo đó, khoảng 50% những người đi học trải qua đào tạo nghề được các công ty cung cấp và họ coi hệ thống đào tạo kép là cách tốt nhất để có được đội ngũ nhân viên lành nghề. Hoặc ở các nước: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có sự gắn kết giữa nhà trường với DN”, tiến sĩ Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, nhận xét.
Trong khi đó, ở nước ta trước năm 2010 thì mối quan hệ DN - cơ sở GDNN gần như không được quan tâm; từ năm 2011 đến nay tình hình có biến chuyển nhưng vẫn "lỗ chỗ" và tự phát. Ông Trần Ngọc Tính, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Viglacera, nói: “Các DN nhìn chung mà trong đó phần lớn là DN cổ phần và DN tư nhân tại VN luôn coi đào tạo là một chi phí mà không xem đó là một sự đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó có xu hướng sử dụng lao động thời vụ giá rẻ”.
Ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề VN - Hàn Quốc (Hà Nội), chỉ ra: "Nhà trường vẫn phải đến liên hệ với DN theo cách cầu xin, DN ở vị thế ban ơn. Một ít DN cộng tác nhưng chỉ trong giới hạn là nhận học sinh - sinh viên vào thực tập với chế độ bồi dưỡng thấp. Thậm chí có DN khi nhận học sinh - sinh viên thực tập còn bố trí sai công việc, chuyên ngành, ảnh hưởng không tốt tới việc nâng cao tay nghề cho các em”.
Đừng chỉ đào tạo những gì mình có
Theo tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, việc hợp tác đào tạo nghề giữa nhà trường và DN phải xuất phát từ nhận thức là 2 bên cùng có lợi thì mới mong được DN tích cực tham gia. Muốn thế, phía trường phải đặt ra nguyên tắc không đào tạo theo những gì mình có mà chủ động lập các ban cố vấn công nghiệp cho các ngành nghề đào tạo, gồm các đại diện đến từ các DN. Ban cố vấn công nghiệp là những người góp ý về mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất…
“Nhà trường cập nhật để phù hợp với nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, sinh viên tốt nghiệp được DN đánh giá cao. Đồng thời, trường nên lắng nghe yêu cầu nhân sự của DN, xây dựng website việc làm để DN đăng tải thông tin tuyển dụng. Hoặc trường chủ động tổ chức ngày hội việc làm, mời DN tham gia. Đưa sinh viên đi thực tập ở DN về thì khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của DN, thu thập ý kiến góp ý của DN về mục tiêu đào tạo, chương trình, chuẩn đầu ra...”, tiến sĩ Kha đề xuất.
Ông Nguyễn Công Truyền cho rằng, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo thì DN đạt được nhiều lợi ích khi có mối quan hệ gắn kết với cơ sở GDNN. DN sẽ luôn chủ động được về nhân lực tuyển mới. Nếu phối hợp cùng nhà trường, có thể đưa các hoạt động thử nghiệm, sản xuất thử các sản phẩm mới. Khi tham gia vào hoạt động đào tạo thì DN được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Luật hóa một số yêu cầu
Theo ông Nguyễn Công Truyền, để thay đổi về chất mối quan hệ giữa DN với cơ sở GDNN thì cần phải luật hóa một số yêu cầu. Ví dụ, nên chỉnh sửa, bổ sung luật Doanh nghiệp, đưa vào nội dung có tính chất bắt buộc DN phải tham gia vào quá trình GDNN cùng các trường. DN nhận lao động có bằng nghề thì phải đóng góp kinh phí đào tạo cho một quỹ và quỹ đó phân bổ lại có cho các cơ sở GDNN hoạt động (sẽ giảm được ngân sách cấp cho đào tạo). DN bắt buộc phải nhận lao động có bằng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với công việc mà người lao động được bố trí vào làm. Quốc hội chỉnh sửa bổ sung một số luật có tính chất động viên DN tham gia vào GDNN như miễn giảm một mức độ thuế nào đó…
Theo Quý Hiên/TNO