Thứ năm, 25/11/2021, 13h57

Huyền thoại “Đoàn tàu không số”

Để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao hy sinh và những chiến công thầm lặng. Trong đó, nổi lên như một mốc son chói ngời của chủ nghĩa yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam - huyền thoại “Đoàn tàu không số”…


Hình nh nhng chiếc tàu không s vn chuyn vũ khí t Bc vào chiến trưng min Nam

Đưng H Chí Minh trên bin  

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia hai miền; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng đất nước; miền Nam còn nằm trong chế độ Mỹ - Ngụy. Đất nước bị chia cắt và vĩ tuyến 17 như nhát dao cứa vào nỗi đau day dứt của cả dân tộc. Tất cả cho tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt; cả miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Đáp lời kêu gọi của tổ quốc thiêng liêng, hàng triệu nam, nữ thanh niên (trong đó có nhiều hoc sinh, sinh viên) tạm xếp bút nghiêng tình nguyện vào Nam chiến đấu. Khí thế của “Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Trên thực địa, Đường Trường Sơn - “Đường mòn Hồ Chí Minh” ra đời, suốt những năm tháng chìm trong mưa bom bão đạn, đã chôn vùi biết bao tuổi thanh xuân, nhưng không chôn vùi được tuyến đường huyền thoại cứ nối dài như mạch máu, để những chuyến hàng ngày đêm nối nhau xuôi vào Nam đánh Mỹ. Với tài mưu trí và nghệ thuật quân sự sáng tạo, trong thời điểm chiến tranh ác liệt ấy, tiếp tục hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và huyền thoại “Đoàn tàu không số” mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca bất diệt!


Đim Di tích Vũng Rô (Phú Yên) - mt trong nhng đa danh lch s

Với yêu cầu về vũ khí, lương thực và quân số… “dồn lực” giải phóng miền Nam (trước mắt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968); Ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định bí mật mở tuyến đường biển Bắc - Nam. Bộ Quốc phòng cũng đã ký Quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam ngày nay). Trung tá Đoàn Hồng Phước được giao làm Đoàn trưởng. Đoàn 759 là đơn vị đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam bằng các con tàu không số, mở ra sự phát triển mới - hình thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Bên cạnh thành lập “Đoàn tàu không số”, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo thành lập các bến, bãi đỗ để đón nhận vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc đưa vào trước khi chuyển về các mặt trận. Bộ Chỉ huy Quân khu IX được giao thành lập Trung đoàn 962 chuẩn bị bến bãi tại bờ biển các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau. Bộ chỉ huy Quân Khu V, VI, VIII được lệnh thiết lập các bến bãi bí mật đón nhận vũ khí, đạn dược, hàng hóa khác…

Bản anh hùng ca của sự sáng tạo và ý chí Việt Nam

Tinh thần anh dũng hy sinh của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số và “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành một kỳ tích, một huyền thoại của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, những con tàu trong Đoàn 759 đều không sơn số hiệu lên thân tàu và giả tàu đánh cá của ngư dân để bí mật chở hàng hóa, đạn dược vượt qua sự truy đuổi khốc liệt của tàu chiến, máy bay giặc. Bởi vậy, hàng trăm con tàu mang trong mình nhiệm vụ nặng nề và sứ mệnh vinh quang của cả dân tộc nhưng đều “không tên”, “không số”!

Để bí mật tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, hàng hóa đến các mặt trận, dọc bờ biển từ Bắc đến Nam đã hình thành hàng chục bến, bãi; những bến bãi này đã trở thành địa danh nổi tiếng trong hải trình “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đó là: K15 (Vạn Xép), Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Gianh, Cửa Nhật Lệ, Hố Chuối, Sa Huỳnh, Quy Thiện, Ba Làng An, Lộ Diêu, Vũng Rô, Hòn Hèo, Phước Thiện, Lộc An, Rạch Cỏ, Cồn Tàu, Vàm Lũng, Rạch Gốc, Bồ Đề, Rạch Tàu…

Các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, kết hợp vừa công khai vừa bí mật để vận chuyển hàng hóa an toàn, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Liên tục trong suốt 14 năm (từ 1961 đến 30-4-1975), “Đoàn tàu không số” đã dệt nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa - nơi mà tuyến vận tải đường bộ chưa thể thực hiện được.

Theo tư liệu, trong 14 năm hoạt động, “Đoàn tàu không số” đã huy động gần một nghìn lượt tàu, đã đi gần 4 triệu hải lý; vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến đi, “Đoàn tàu không số” đã phá dỡ hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão dữ; hơn 30 lần đánh trả tàu địch bao vây; chiến đấu với 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và phá hủy nhiều tàu chiến của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975…


Eo bin Vũng Rô - mt trong nhng bãi ct giu vũ khi ca “Đoàn tàu không s

“Dấu lặng” trong khúc tráng ca bất tử huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đó là sự hy sinh anh dũng của biết bao cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số. Qua các cuộc hành trình, khi bị tàu giặc phát hiện, vây bắt, các anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ “Đoàn tàu không số” và con đường huyền thoại như dòng máu đỏ cứ chảy về Nam. Tàu 43 là 1 trong 4 con tàu (43; 56; 165 và 235) vận chuyển vũ khí quân nhu vào Đức Phổ tiếp tế cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. 4 tàu ra đi nhưng chỉ có Tàu 56 trở về. 3 tàu còn lại đều đụng độ với tàu tuần duyên của Hải quân Việt Nam Cộng hòa và phải hủy tàu; đó là Tàu C.235 do anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh chỉ huy chở 14 tấn vũ khí vào Nam. Khi đến biển Hòn Hèo (Khánh Hòa) thì bị tàu chiến Mỹ phát hiện vây bắt. Sau khi bí mật cất dấu vũ khí an toàn, Nguyễn Phan Vinh cùng 20 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu. Biết không thể thoát khỏi vòng vây của giặc, ông lệnh cho số chiến sĩ còn sống bơi vào bờ và điểm hỏa cho nổ tàu. Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ và con tàu C.235 vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương…

Với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh dệt nên những chiến công vang dội của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, góp phần thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 14 cán bộ, chiến sĩ và 12 đơn vị (trong đó 11 tàu) được phong, hoặc truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đặc biệt, Lữ đoàn 125 (nguyên Đoàn 759) Quân chủng Hải quân 02 lần được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 1967 và năm 1976)…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hng