Thứ tư, 19/1/2022, 10h25

Indonesia xúc tiến dời đô

Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia Suharso Monoarfa ngày 18-1 thông báo quốc hội nước này đã thông qua dự luật liên quan đến việc dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java đến khu vực Kalimantan trên đảo Borneo. Luật mới sẽ quy định cách thức cấp ngân sách và quản lý nhằm phát triển thủ đô mới.

Đây cũng là khung pháp lý để chính phủ Tổng thống Joko Widodo thực hiện kế hoạch dời đô đầy tham vọng trị giá 32 tỉ USD. Nhà lãnh đạo này cũng chọn "Nusantara" làm tên cho thủ đô mới, đặt tại các vùng Bắc Penajam Paser, Kutai Kartanegara ở tỉnh Đông Kalimantan và có diện tích 56.180 ha.

Theo dự án, Jakarta sẽ vẫn là trung tâm thương mại và tài chính của Indonesia nhưng các chức năng hành chính của chính phủ sẽ chuyển đến thủ đô mới.

Indonesia xúc tiến dời đô - Ảnh 1.

Tổng thống Joko Widodo (thứ 3 từ trái qua) cùng các quan chức xem bản đồ khi đến thăm vùng Kutai Kartanegara ở tỉnh Đông Kalimantan năm 2019. Ảnh: Cơ Quan Báo Chí Tổng Thống Indonesia

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thủ đô mới sẽ được xây dựng trong 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2022 đến 2024.

Nhiều đời tổng thống Indonesia đã tính chuyện dời đô nhưng chưa ai đi được xa như ông Widodo. Nhà lãnh đạo này lần đầu tiên công bố kế hoạch vào năm 2019 nhưng tiến độ bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Chính phủ ông Widodo hy vọng kế hoạch dời đô sẽ giảm bớt gánh nặng cho Jakarta, một siêu đô thị 10 triệu dân thường xuyên đối mặt tình trạng kẹt xe, lũ lụt và ô nhiễm không khí. Chưa hết, Jakarta hiện còn là một trong những thành phố chìm nhanh nhất trên thế giới do khai thác quá mức nguồn nước ngầm.

Theo trang The Guardian, nhiều khu vực ở Bắc Jakarta ước tính sụt lún khoảng 25 cm/năm. Thông qua việc dời đô, chính phủ Indonesia cũng hy vọng sẽ phân bổ lại sự thịnh vượng. Đảo Java hiện là nơi sinh sống của 60% dân số cả nước và chiếm hơn 1/2 hoạt động kinh tế toàn quốc trong khi đảo Kalimantan có diện tích lớn hơn gần 4 lần.

Dù vậy, một số người chỉ trích dự luật trên đã được thông qua vội vàng, thiếu sự tham vấn từ cộng đồng và cân nhắc về môi trường. Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo việc dời đô có nguy cơ làm tăng ô nhiễm ở Đông Kalimantan cũng như góp phần phá hủy các khu rừng nhiệt đới. 

Theo Xuân Mai/NLĐO