Thứ hai, 8/8/2022, 10h23

Kế hoạch biến không khí và đất sao Hỏa thành sắt

Các nhà nghiên cứu Australia dự định sử dụng những yếu tố có sẵn trên hành tinh đỏ như không khí, đất và ánh sáng Mặt Trời để sản xuất sắt.
Mô phỏng mặt đất sao Hỏa
Mô phỏng mặt đất sao Hỏa.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Akbar Rhamdhani tại Đại học Swinburne công bố nghiên cứu chi tiết đầu tiên về sản xuất kim loại ở hành tinh khác trên tạp chí Acta Astronautica số tháng 9/2022, Phys.org hôm 5/8 đưa tin. Họ tập trung vào khai thác kim loại trên sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu phát triển một quá trình xử lý không khí, bụi và ánh sáng Mặt Trời trên sao Hỏa để tạo ra kim loại sắt. Quá trình sử dụng năng lượng mặt trời tập trung như một nguồn nhiệt và carbon. Carbon được sinh ra bằng cách làm lạnh khí CO, phụ phẩm khi sản xuất oxy trong khí quyển sao Hỏa.
Thí nghiệm sản xuất oxy đã được thử nghiệm trên robot Perseverance thông qua thiết bị MOXIE (Mars Oxygen In-Situ Resource Utilization Experiment) trong dự án của NASA. Do đó, quá trình khai thác kim loại của nhóm nghiên cứu hướng tới diễn ra song song với hoạt động của nhà máy sản xuất oxy trong tương lai. Oxy và sắt sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ khác của con người trên hành tinh đỏ. Đưa vật liệu từ Trái Đất vào không gian rất tốn kém, mất thời gian và có hại cho môi trường. Sản xuất tài nguyên từ hành tinh khác cho phép phát triển hiệu quả và bền vững với chi phí rẻ hơn trong vũ trụ.
Nhóm của Rhamdhani đang hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) để chuyển sang giai đoạn tiếp theo. "Chúng tôi muốn phát triển một quá trình khai thác kim loại trên sao Hỏa, tận dụng những nguồn tài nguyên tại chỗ mà không cần mang chất phản ứng từ Trái Đất. Nếu chúng ta muốn xây cấu trúc lớn ở sao Hỏa mà không cần phóng mọi thứ từ Trái Đất (ví dụ vệ tinh lớn, thuộc địa sao Hỏa, trạm tiếp nhiên liệu,...), đây có thể là một quá trình rất hữu ích", Rhamdhani chia sẻ.
HT (theo khoahoc.tv)