Thứ tư, 13/7/2022, 10h05

Khách hàng bất bình vì Grab liên tục “đẻ” ra phụ phí

Việc Grab áp dụng thu phí “nắng nóng gay gắt” 5.000 đồng mỗi cuốc xe không phải là loại phụ phí đầu tiên hãng này và một số hãng xe công nghệ khác áp dụng. Điểm chung là lý do áp dụng phụ phí không rõ ràng, gây bức xúc cho khách hàng.

Grab nói gì?

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện Grab Việt Nam cho biết: Hãng áp dụng phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” từ ngày 6/7 đối với các dịch vụ GrabBike, GrabMart, GrabFood, GrabExpress. Mức phụ phí từ 3.000 - 5.000 đồng/cuốc, tùy dịch vụ và khu vực cụ thể. Trong đó, với dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabMart tại Hà Nội, TPHCM, hãng phụ thu phí nắng nóng 5.000 đồng mỗi chuyến xe, 3.000 đồng một đơn hàng với dịch vụ GrabExpress (giao hàng). Tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng… phí phụ thu nắng nóng áp dụng với các dịch vụ gọi xe hai bánh (GrabBike và GrabFood) là 5.000 đồng/cuốc.  “Mức phụ phí này nhằm phần nào hỗ trợ khó khăn, vất vả cho đối tác tài xế khi phải hoạt động trong thời tiết nắng nóng gay gắt”, đại diện Grab lý giải.

Đồng thời, đại diện hãng cho biết phụ phí chỉ được áp dụng khi thời tiết trở nên nắng nóng gay gắt và áp dụng cho từng đơn hàng trong chuyến xe. Dù vậy, hãng chưa giải thích thỏa đáng căn cứ đưa ra việc phụ thu phí nắng nóng. 

Việc Grab thu phụ phí nắng nóng không chỉ khiến khách hàng bức xúc mà các tài xế cũng không đồng tình

Việc Grab thu phụ phí nắng nóng không chỉ khiến khách hàng bức xúc mà các tài xế cũng không đồng tình

Sáu ngày sau khi Grab thu phụ phí này, một số tài xế GrabBike (tài xế xe máy) được hỏi đều cho rằng, những cuốc xe có phụ phí, không phải tài xế được hưởng toàn bộ. Anh D.Q.Đ. - tài xế GrabBike - cho biết phụ phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" khi áp dụng sẽ được Grab cộng trực tiếp vào giá cước từng cuốc xe.Việc hãng nói để hỗ trợ tài xế là không thuyết phục vì tỷ lệ ăn chia của tài xế và Grab hiện là 7/3 (tài xế 7 phần, hãng 3 phần trên doanh thu mỗi cuốc xe). Ví dụ tài xế chạy một cuốc xe được 100.000 đồng, Grab sẽ hưởng 30.000 đồng. Có thêm 5.000 đồng phụ thu nắng nóng cũng chia theo tỷ lệ tương tự, tức mỗi chuyến Grab nhận được 1.500 đồng, tài xế chỉ hưởng 3.500 đồng. 

“Một cuốc Grab bỏ túi 1.500 đồng, nếu có hàng trăm, hàng ngàn cuốc mỗi ngày có phụ thu với lý do tương tự thì số tiền hãng thu về rất nhiều. Tôi thắc mắc là vì sao nói hỗ trợ cho tài xế nhưng Grab không để tài xế hưởng trọn mà chiết khấu luôn cả phụ phí?”, anh Đ. nói. 

Tài xế GrabBike N.V.M. (ngụ TPHCM) thì cho rằng, nếu thật sự muốn hỗ trợ tài xế, hãng nên giảm chiết khấu thay vì thu phụ phí. Thời gian qua chi phí xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu, trong đó có hạn chế đặt xe. Hiện mức chiết khấu của hãng 30% (đã bao gồm thuế) là quá cao. Việc áp dụng phụ thu có thể làm giảm số lượng cuốc vì khách bỏ ứng dụng. 

Được biết, “phí nắng nóng” không phải là loại phụ phí duy nhất mà Grab áp dụng. Trong mỗi cuốc GrabBike, các phụ phí có thể áp dụng như thay đổi lộ trình: 5.000 đồng + phí trên mỗi km tăng thêm so với lộ trình ban đầu; phí thêm điểm dừng 5.000 đồng/điểm dừng (tài xế sẽ chờ khách tối đa 5 phút ở mỗi điểm dừng); phụ thu ban đêm 10.000 đồng/chuyến xe (áp dụng từ khung giờ 22g đến 5g59)… Chưa kể nhiều lý do khác như thời gian cao điểm trong ngày, biến động thời tiết… giá cước xe cũng tăng vọt. Từ ngày 10/3, Grab cũng đã tăng giá cước với lý do giá xăng tăng, áp dụng cho nhiều dịch vụ như gọi xe, giao hàng, đi chợ… 

Grab đang lạm thu? 

Nhiều khách hàng gần đây đã liên tục phản ánh việc giá cước Grab cao hơn nhiều ứng dụng khác. Chúng tôi thử đặt xe cùng thời điểm, cùng điểm đi - điểm đến (từ TP.Thủ Đức đến quận 3) trên ba ứng dụng khác nhau. Kết quả, giá cước GrabBike là 74.000 đồng, ứng dụng Gojek là 51.000 đồng, ứng dụng Be là 63.000 đồng. Mức chênh lệch khá lớn, dù Gojek cũng phụ thu phí như đơn hàng trên GoFood phải trả phí gửi xe 5.000 đồng/đơn (áp dụng với các đơn lấy hàng tại trung tâm thương mại) và phụ thu ban đêm 10.000 đồng/đơn từ khung giờ 23g đến 6g sáng. 
Là một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ Grab, anh Trần Trung Hậu (ngụ quận 3, TPHCM), cho rằng việc áp dụng phụ thu nắng nóng là chưa thỏa đáng. Vì thời tiết khó đo lường. Ví dụ khi đặt xe trời còn nắng, nhưng đang thực hiện chuyến thì trời đổ mưa. 

Bộ Công Thương yêu cầu Grab báo cáo
 Ngày 11/7, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Ngoài ra, hãng phải cung cấp thông tin về căn cứ, tiêu chí, thời gian áp dụng thu thêm cũng như việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và tài xế.

Chị Anh Đào (nhân viên văn phòng tại quận 2, TPHCM), cho biết chị hiểu những vất vả của tài xế đặc biệt lúc thời tiết nắng nóng và mưa. Nhưng chị chọn cách “boa” (thưởng thêm) trực tiếp. “Việc người dùng gửi riêng cho tài xế theo cách tự nguyện hay hơn hãng đứng ra thu giúp. Trong khi khoản thu này có vào túi tài xế trọn vẹn đâu”, chị Đào chia sẻ. 

Cần ấn định giá trần

Phó giáo sư (PGS) - tiến sĩ (TS) Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn kinh tế, Khoa Kinh tế Đại học Kinh tế Luật TPHCM - cho biết: Việc Grab phụ thu phí nắng nóng là chưa hợp lý bởi ở TPHCM gần như nắng nóng quanh năm. “Các năm trước cũng nắng nóng sao không thấy hãng áp dụng phụ thu phí này?”, PGS-TS Nguyễn Hồng Nga đặt vấn đề. Đồng thời ông dẫn báo cáo từ Công ty Phân tích và Nghiên cứu thị trường ABI Research cho thấy, tính đến năm 2021, thị phần của Grab đã lên tới 74,6%. Grab gần như đang độc quyền trong dịch vụ vận chuyển bằng xe máy, do vậy họ lợi dụng vị thế này để “móc túi” người tiêu dùng. 

“Cần phải làm rõ khái niệm thế nào là nắng nóng gay gắt và vào thời điểm nào được tính là nắng nóng để tính phụ thu? Sử dụng dụng cụ nào để đo nhiệt độ? Ở đây, Grab phải đưa ra một khái niệm tương đối dễ hiểu để người tiêu dùng không bị thiệt hại và không bị “đánh cắp” giữa ban ngày”, PGS-TS Nguyễn Hồng Nga nói.

Theo luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - việc phụ thu phí nắng nóng của Grab hoàn toàn bất hợp lý, là hình thức tận thu người tiêu dùng dưới danh nghĩa hỗ trợ tài xế. Nếu hãng xe đưa ra các khoản phụ phí mà người dùng thấy không hợp lý, không chấp nhận thì có thể không sử dụng dịch vụ, hoặc tìm dịch vụ khác thay thế. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn dịch vụ hoặc tẩy chay. Bà cũng cho rằng cần ấn định giá sàn cho tất cả dịch vụ gọi xe công nghệ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tài xế và cả các hãng. 
PSG-TS Nguyễn Hồng Nga cũng cho rằng nên ấn định giá trần với tất cả dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải. Ông nói: “Quan trọng là mức giá trần xác định như thế nào cho hợp lý và xác định ra sao khi giá xăng dầu trên thế giới dao động mạnh? Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh về việc cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ các dịch vụ giao thông công cộng tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, nhất là tàu điện ngầm. Làm sao để người dân có sự lựa chọn hợp lý và giá rẻ khi tham gia giao thông để hạn chế sức mạnh độc quyền của một số ông lớn”. 

Theo Quốc Thái/PNO