Thứ bảy, 25/9/2021, 09h26

Khám phá gương mặt ẩn giấu của gia đình

 "Hai mặt gia đình" thú vị ở chỗ đã hệ thống lại, diễn giải mọi thứ thật dễ hiểu chứ không nặng tính học thuật.

Gia đình là nơi mọi người yêu thương nhau - nói thế đúng nhưng chưa đủ. Còn một gương mặt khác của gia đình mà chúng ta thường tránh né hay chôn giấu tận góc kín của tâm trí. Với kinh nghiệm vừa giảng dạy tại Đại học Hansei vừa làm công việc tư vấn gia đình, tiến sĩ Choi Kwanghyun đã viết cuốn Hai mặt gia đình để phản ánh đầy đủ bể mặt cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực của một mái ấm. “Gia đình là nơi tiếp thêm sức mạnh và cũng là nơi khiến đôi vai chúng ta thêm nặng trĩu” - ông đưa độc giả vào hành trình khám phá của mình với một tiên đề như thế. 

Thật ra những câu chuyện, hiện tượng tác giả nêu ra không quá mới đối với những người có tìm hiểu bộ môn tâm lý. Thế nhưng, Hai mặt gia đình thú vị ở chỗ đã hệ thống lại, diễn giải mọi thứ thật dễ hiểu chứ không nặng tính học thuật. Đặc biệt, những gia đình Choi Kwanghyun nêu ra đặc sệt chất Á Đông nên độc giả Việt Nam sẽ cảm thấy khá gần gũi, thậm chí như thể câu chuyện của chính mình. Qua cuốn sách, ông muốn nói gia đình luôn là “món hàng mua một tặng một” và mọi người phải dũng cảm giải quyết vấn đề. Nếu không, vòng tuần hoàn sẽ được lặp lại. Đôi lúc, chúng ta ngạc nhiên khi thấy bản thân xây dựng gia đình mình theo đúng kiểu mẫu bất hạnh mà mình từng sa lầy trong đó. Hai mặt gia đình sẽ giúp bạn hiểu vì sao lại như thế.

Chúng ta đang bị gia đình “thôi miên”? Đây là khía cạnh được Choi Kwanghyun trình bày khá sống động và thuyết phục. Ngay từ bé, cha mẹ và người thân đã vô tình hay cố ý “thôi miên” chúng ta bằng nếp sống, lời nói để rồi chúng ta có nguy cơ không còn phân biệt đâu là hoàn cảnh thực tế của gia đình mình, đâu là ảo ảnh do gia đình tạo ra. Người mẹ luôn tra tấn con bằng những lời: “Mày là đứa không nên thân”, ”Mày là kẻ hư hỏng”, ”Đời tao khổ vì mày”… và đứa bé sẽ tin những lời “thôi miên” đó là sự thật. Đứa bé sẽ luôn cảm thấy mình thật tệ hại, mình là nguyên nhân của mọi lỗi lầm và sẽ mang vết thương lòng chảy máu không ngừng đi vào đời.

Chúng ta cũng có thể gặp những đứa trẻ lớn xác nhưng luôn mang tâm trí “con cưng của mẹ”. Đó cũng chính là nạn nhân của thuật “thôi miên” gia đình. Ban đầu, sự dựa dẫm vốn là nguồn lực của gia đình. Song dần dà nó đưa cá nhân vào sự phụ thuộc, đánh mất bản thân ngay trong gia đình. Gia đình ươm mầm những bất hạnh cũng từ những điều tưởng chừng yêu thương quá đỗi này.

Đi vào đời sống lứa đôi, tác giả dẫn người đọc đến hội chứng về nhà mà nhiều người không thề hay biết. Một chàng trai lý tưởng lại bị bỏ qua để rồi cô gái chọn người chồng tệ hại và giống hệt cha mình trước kia. Đây là một yếu tố ngầm ẩn quan trọng khi chúng ta chọn bạn đời: Cưới một người tái hiện lại hình ảnh gia đình thuở nhỏ để cảm thấy an toàn hơn. Và nếu bạn lỡ có một quá khứ tăm tối thì nguy cơ mọi thứ lại rơi vào vòng xoáy bóng đêm. Theo các nhà tâm lý, đó là vì trong vô thức, chúng ta muốn gỡ bỏ những nút thắt mâu thuẫn trong quá khứ của gia đình. 

Trong gần 300 trang sách, Choi Kwanghyun lần lượt soi rọi nhiều góc khuất của gia đình để rồi điều ông muốn gửi gắm lại sau tất cả là “yêu thương cũng cần có kỹ năng”. Tác giả chia sẻ: “Khi gia đình phát sinh mâu thuẫn, biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, làm thế nào để giải quyết… là chìa khóa hóa giải vấn đề”.

Một gia đình hạnh phúc không phải tự dưng mà có. Gia đình là nơi cố gắng bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu. Ta sẽ càng thấm thía trước lời kết của ông ở cuối sách: “Chúng ta phải cố gắng, chịu đựng, học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời của chúng ta”. 

Theo Phạm Đoàn Phú/PNO