Thứ bảy, 3/12/2022, 10h20

Khan hiếm giáo viên bản xứ, trung tâm ngoại ngữ gặp khó

Tình trạng khan hiếm giáo viên bản xứ gây nhiều thế khó cho các trung tâm Anh ngữ, đồng thời đặt ra câu hỏi giáo viên Việt liệu có đủ sức cạnh tranh.

Ít ứng viên đáp ứng đúng yêu cầu

Trao đổi với PV, đại diện hệ thống Anh ngữ Apax Leaders cho hay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đơn vị này phải đối mặt với nhiều vấn đề, đáng kể nhất là khan hiếm giáo viên bản xứ (GVBX) do chính sách xuất nhập cảnh. Việc thiếu nguồn cung kéo dài dẫn đến tình trạng khó có đủ GV cho tất cả trung tâm ngoại ngữ nói chung.

Khan hiếm giáo viên bản xứ, trung tâm ngoại ngữ gặp khó - ảnh 1

Chọn học với giáo viên bản xứ là ưu tiên của nhiều phụ huynh, học sinh khi học ngoại ngữ. H.N

“Đến hiện tại, vấn đề GVBX đáp ứng đủ yêu cầu vẫn đang là khó khăn của cả hệ thống bởi nhu cầu GV của Apax cao do hệ thống lớn với số lượng học viên đông, nhất là khi người học tiếng Anh sau đại dịch tăng vọt. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển nhân sự trong và sau đại dịch cũng ảnh hưởng khá lớn”, đơn vị này thông tin.

Để đưa GVBX về VN nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt cục bộ tại một số trung tâm, nhất là ở những địa bàn khó tuyển dụng, Apax đang tự tổ chức tuyển dụng, mặt khác phối hợp với Đại sứ quán các nước và công ty tuyển dụng ở nước ngoài.

Ta nên hiểu rằng ngôn ngữ không được truyền từ thầy sang người trò, mà nó là một dạng kỹ năng và cần sự luyện tập từ người học. Tức là GV nào tạo được động lực và môi trường cho người học luyện tập ngôn ngữ tích cực thì đó là GV thành công.

Thạc sĩ Trần Thanh Vũ - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh)

Cùng cảnh ngộ, đại diện một trung tâm tiếng Anh tại TP.HCM cho hay vấn đề tuyển dụng mới và giữ chân GVBX đang làm việc cũng có một số khó khăn. Đó là vì các GV đều phải là người ở nước nói tiếng Anh, có chuyên môn cao và đam mê với giáo dục, không xem việc đi dạy là việc làm thêm.

“Có khá ít ứng viên đáp ứng đồng thời cả 3 yêu cầu trên, kể cả trước dịch Covid-19. Thời gian gần đây còn có chính sách hạn chế gia hạn thị thực, chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN nếu đã được gia hạn thị thực làm việc trên 3 - 4 lần rồi thì sẽ không được gia hạn nữa”, vị này nêu lo ngại.

Do siết thủ tục xin thị thực?

Chia sẻ thêm về việc khan hiếm GVBX, giám đốc một công ty chuyên tuyển dụng, quản lý và cung ứng nguồn GVBX tại TP.HCM, cho hay: “Cách đây 3 - 4 tháng, việc “đặc biệt siết chặt” thị thực, công văn nhập khẩu và giấy phép lao động cho người nước ngoài đến làm việc tại VN ảnh hưởng không nhỏ đến những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung ứng GVBX, trung tâm Anh ngữ và liên kết đào tạo Anh ngữ tại các trường phổ thông”.

Người này ví dụ hiện rất khó để xin thị thực cho người nước ngoài vì nhiều khâu thay đổi, đơn cử như bắt buộc giám đốc hoặc nhân viên có đủ giấy tờ chứng minh chức vụ phải đến nộp hồ sơ trực tiếp, thay vì được ủy quyền cho công ty dịch vụ như trước.

Tuy nhiên, cũng có trung tâm giữ ổn định hoạt động giảng dạy. Bà Chung Phạm Ngọc Hiền, Giám đốc học vụ hệ thống Anh ngữ YOLA, cho biết đơn vị này không bị ảnh hưởng bởi việc khan hiếm GVBX nhờ sử dụng mô hình giảng dạy 50% GVVN và 50% GVBX trong chương trình học. “Vì chúng tôi không sử dụng toàn bộ là người bản xứ nên luôn đảm bảo đủ GV”, bà Hiền thông tin.

Khan hiếm giáo viên bản xứ, trung tâm ngoại ngữ gặp khó - ảnh 2

Giáo viên bản xứ phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về chuyên môn, bằng cấp và trình độ. N.H

Giáo viên nước ngoài có quyết định chất lượng?

Theo thạc sĩ Trần Thanh Vũ, ngành giảng dạy tiếng Anh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), nếu so sánh GVBX với GVVN trong khuôn khổ đều được đào tạo phương pháp dạy ngoại ngữ, lợi thế lớn nhất của GVBX nằm ở việc tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ nên sẽ có phát âm chuẩn, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên.

“Do lớn lên trong vùng văn hóa sinh ra ngôn ngữ nên hiểu biết của họ về những bình diện khác trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng vượt trội hơn so với GVVN. Tuy nhiên, phải hiểu rằng mỗi quốc gia sẽ có nhiều giọng vùng miền khác nhau, và không phải giọng vùng miền nào cũng “dễ nghe”. Do đó, nếu GVBX không nói giọng chuẩn khi giảng dạy thì sẽ gây nhiều khó khăn cho người học”, thạc sĩ Vũ lưu ý.

Còn đối với GVVN, lợi thế lớn nhất chính là việc họ nói cùng một thứ tiếng với người học. “Một trong những ảnh hưởng quan trọng đến việc học ngoại ngữ đến từ tiếng mẹ đẻ, do đó GVVN sẽ hiểu những lỗi đặc hữu của học sinh VN mà GVBX không thể hiểu được, và từ đó đưa ra được những cách sửa lỗi phù hợp nhất”, chuyên gia ngành giảng dạy tiếng Anh phân tích.

“Nếu GV có sự hiểu biết về tiếng Việt sẽ biết cách nhấn nhá trong các bài học và bài luyện tập khác nhau, từ đó giúp người học tiến bộ tốt hơn”, thạc sĩ Vũ khẳng định.

Cũng theo thạc sĩ Vũ, trình độ của GV được thể hiện ở nhiều khía cạnh và có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những mô hình khác nhau cho việc này. Một trong những mô hình căn bản nhất là PCK (Pedagogical Content Knowledge), gồm 3 mảng: kiến thức bộ môn, kiến thức sư phạm và kiến thức sư phạm bộ môn. GV phải nắm và có khả năng áp dụng được cả 3 mảng kiến thức này trong giảng dạy, chứ không chỉ giỏi tiếng Anh là được.

“Tóm lại, nếu phải so sánh để chọn học với GVVN hay GVBX thì sẽ có rất nhiều yếu tố. Giả sử được đào tạo bài bản như nhau thì rõ ràng GVBX có những lợi thế ngôn ngữ mà GV từ các nước không nói tiếng Anh không thể so được. Tuy nhiên, việc dạy ngôn ngữ hay giảng dạy nói chung không chỉ nằm ở việc người GV có giỏi thứ mình dạy hay không. Ta nên hiểu rằng ngôn ngữ không được truyền từ thầy sang người trò, mà nó là một dạng kỹ năng và cần sự luyện tập từ người học. Tức là GV nào tạo được động lực và môi trường cho người học luyện tập ngôn ngữ tích cực thì đó là GV thành công”, thạc sĩ Vũ kết luận.

Tiêu chí tuyển dụng

Đại diện trung tâm KTDC IELTS cho hay GVBX phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về chuyên môn, bằng cấp và trình độ. Cụ thể, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ; tốt nghiệp trường ĐH uy tín thế giới; có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được quốc tế công nhận như DELTA, CELTA, TEFL; hoạt động tối thiểu 5 năm trong lĩnh vực đào tạo IELTS và ưu tiên có kinh nghiệm chấm thi.

Tương tự, thạc sĩ Trần Thanh Vũ cho rằng thông thường, GVBX chỉ cần tốt nghiệp ĐH một ngành bất kỳ, sau đó học thêm chứng chỉ CELTA, DELTA là có thể đi dạy. Còn GVVN phải tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh hoặc ngôn ngữ Anh rồi học thêm chứng chỉ TESOL. Ngày nay, đa số GVVN sẽ chứng minh thêm năng lực ngôn ngữ bằng cách thi IELTS, TOEFL hay CAE, CPE.

So sánh sự khác biệt trong tiêu chí, thạc sĩ Vũ cho hay chứng chỉ CELTA, DELTA có thời gian đào tạo ngắn hơn so với bằng cử nhân và tập trung vào kiến thức sư phạm bộ môn, kỹ năng đứng lớp. Chương trình cử nhân của VN ngoài những mảng đó còn có thêm phần kiến thức về ngôn ngữ học và những học phần bằng tiếng Việt.

Học với GV nước ngoài hay VN?

Từng học tiếng Anh song song với GVVN và GVBX liên tiếp 5 năm, Phan Phương Thảo (sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết nếu so sánh về cách dạy, GVVN chú trọng truyền tải các công thức như chia thì, dùng từ... một cách bài bản, còn GVBX tự lý giải theo suy nghĩ của họ.

“Vì vậy, GVBX có thể giải thích cho học viên hiểu hơn về bài giảng. Cá nhân tôi cho rằng giao tiếp với GVBX cũng tự tin hơn vì cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên và tôi cảm thấy được lắng nghe, còn khi đối mặt với GVVN tôi luôn nghĩ bản thân chỉ đang nói để GV sửa lỗi nên có tâm lý như đang liên tục bị kiểm tra”, Thảo cho hay.

Tuy nhiên, GVBX cũng cần đáp ứng đúng chuyên môn mới có thể giảng dạy hiệu quả, theo L.P.U, sinh viên tại một trường ĐH công lập ở TP.HCM. “Môn tôi đang học là IELTS nhưng GV đứng lớp lại là một nhà báo Mỹ. Nên khi học, tôi chỉ được học giao tiếp, luyện sự tự tin và khả năng ứng xử khi trò chuyện cùng người nước ngoài. Các kiến thức phục vụ cho kỹ năng nói trong thi IELTS dường như bằng không”, người này thú nhận.

Theo Ngọc Long/TNO