Thứ bảy, 24/10/2020, 09h54

Khẩn trương xây dựng nghị định mới về quyên góp, hỗ trợ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thay thế Nghị định số 64 năm 2008.
Ngày 23.10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP năm 2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều này là để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Cùng ngày, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 23.10, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN Nguyễn Thị Xuân Thu nêu quan điểm, Nghị định 64 năm 2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, là để áp dụng cho các tổ chức được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo chứ không áp dụng cho cá nhân. Do đó, nếu áp dụng lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên (người đã vận động, quyên góp được số tiền lớn và trực tiếp đi hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt miền Trung - PV) thì không đúng.
Theo bà Thu, các cá nhân như ca sĩ Thủy Tiên không vi phạm luật vì theo bộ luật Dân sự, họ là người trung gian để đem tiền, vật chất của người dân gửi cho người nhận. “Họ được ủy thác, theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào làm việc đó nên hoàn toàn có thể làm”, bà Thu phân tích. Đối với các trường hợp cá nhân tổ chức vận động, tiếp nhận ủng hộ, bà Thu cho rằng quan trọng là làm thế nào để tiền người khác ủy quyền đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng từ hai phía vì đã có trường hợp lợi dụng nguồn tiền từ thiện này.
Cũng theo bà Thu, Nghị định 64 đã ban hành hơn 10 năm, đến nay cần sửa đổi một số nội dung và Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi. Mục tiêu của nghị định là giúp nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, lợi dụng, và đặc biệt phân phối được đến đúng người, đúng nơi, đúng chỗ và hiệu quả.
Bà Thu cho rằng Nghị định 64 vẫn có quy định khuyến khích những cá nhân, những người có thể tham gia làm công tác thiện nguyện này tự nguyện và cũng phải tôn vinh họ nếu như họ làm đúng, không vi phạm, không bị lợi dụng của các tổ chức, cá nhân khác. “Nếu như họ làm đúng quy định của pháp luật, không làm gì sai thì mình phải khuyến khích và tôn vinh họ”, bà Thu nhấn mạnh.
Theo Chí Hiếu - Lê Hiệp/TNO