Thứ ba, 20/10/2020, 21h31

Không để bệnh truyền nhiễm lây lan trong trường học

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, thời điểm chuyển mùa sẽ rất thích hợp để gia tăng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần có các biện pháp phối hợp, chú trọng đến phát hiện sớm để phòng ngừa nguy cơ.

ThS.BS Đinh Thị Hải Yến - Phó Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) - cho biết, để hạn chế việc lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong trường học như sốt xuất huyết, tay chân miệng, các nhà trường cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tăng cường công tác vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, phát quang các khu vực vườn trường, tiếp tục giáo dục học sinh ý thức rửa tay thường xuyên. Đặc biệt, nhà trường cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với gia đình cũng như y tế địa phương, nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm, kịp thời có các biện pháp xử lý, khoanh vùng, phòng ngừa nguy cơ dịch lây lan rộng trong trường học.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng đang “vào mùa”, thời gian qua, huyện Bình Chánh đã chủ động tăng cường tổ chức nhiều buổi truyền thông tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục đến học sinh, phụ huynh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Trúc Ly - Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, Phòng GD-ĐT huyện đã yêu cầu các đơn vị trường học, nhất là các trường mầm non, tiểu học tăng cường hướng dẫn học sinh vệ sinh rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch. Đồng thời yêu cầu các trường thường xuyên khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, đồ chơi của học sinh, chủ động trang bị thêm các đồ dùng phòng chống dịch bệnh, chú trọng phân công nhân viên giám sát vệ sinh môi trường, sân trường; hạn chế phát sinh ổ loăng quăng và muỗi trong khuôn viên nhà trường. Yêu cầu các cơ sở giáo dục thông báo ngay đến trung tâm y tế địa phương khi có trường hợp trẻ mắc bệnh cũng như lên kế hoạch rà soát khoanh vùng để khống chế dịch, không để dịch lây lan trong trường học.

“Để công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường đạt hiệu quả, song song với việc các cơ sở giáo dục đổi mới công tác tuyên truyền, đưa các nội dung về phòng chống dịch bệnh vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp hàng tuần, đẩy mạnh thông tin đến phụ huynh thì rất cần đến sự phối hợp của phụ huynh. Phụ huynh thông báo thường xuyên tình hình sức khỏe của con em mình đến GVCN để nhà trường kịp thời có biện pháp phòng dịch”, bà Lý nhắn nhủ.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học năm 2020.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nhấn mạnh, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; Nắm tình hình dịch bệnh kịp thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp; Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh, huy động các tổ chức và người dân cùng tham gia; Giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng nhanh xử lý triệt để các ổ dịch ngăn chặn kịp thời dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào trường học.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh. Chú trọng nâng cao ý thức phòng bệnh cho cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh và phụ huynh. Tăng cường ứng dụng CNTT chủ động ứng phó xử lý các tình huống thông tin y tế bất cập, kịp thời cung cấp thông tin bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên. Đưa hoạt động diệt muỗi, loăng quăng tại gia đình và cộng đồng trở thành nội dung sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên.

Nam Đnh