Thứ năm, 5/1/2023, 10h34

Kinh tế khó khăn bắt đầu tác động đến sức mua thiết bị số

Thị trường có chút suy giảm khiến các nhà bán lẻ tìm mọi giải pháp để thu hút người dùng vào cuối năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động cho thấy kinh tế khó khăn bắt đầu tác động đến sức mua sắm của người dùng.
Cụ thể, tổng doanh thu luỹ kế 11 tháng của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh tăng 15% theo năm. Tuy vậy, riêng tháng 11, doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ.
“Hầu hết các ngành hàng ghi nhận sức cầu yếu hơn dự kiến ngay cả trong mùa cao điểm cuối năm, ngoại trừ tivi - do hưởng lợi từ sự kiện World Cup”, Thế Giới Di Động thông tin.
Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, sản lượng bán ra của các sản phẩm chính ước tính giảm hai chữ số so với cùng kỳ. Tuy vậy, cần biết rằng thời điểm tháng 10 năm ngoái là một trong những tháng doanh thu kỷ lục của tất cả ngành bán lẻ, xuất phát từ nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau đại dịch. Do đó tăng trưởng doanh thu quý 4 năm nay có giảm sút do năm ngoái đã đạt đỉnh.
Thị trường laptop có dấu hiệu chững lại vào cuối năm nhưng vẫn tăng trưởng so với 2020.
Tính riêng mảng laptop, sau một thời gian dài tăng trưởng cũng đã có dấu hiệu chững lại.
Chuỗi CellphoneS cho biết thị trường laptop trong tháng 12 có sự suy giảm khoảng 30-40% so với tháng 11. Tháng 11 lại có mức giảm tương tự so với tháng trước đó.
“Tổng kết cả năm 2022, dự kiến tổng thị trường laptop sẽ giảm 25-30%”, chuỗi có hơn 100 cửa hàng bán lẻ toàn quốc nhận định.
Để kích cầu, các nhà bán lẻ đều đưa ra biện pháp thiết thực nhất đánh vào giá sản phẩm.
Thế Giới Di Động cho hay đã triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu nhiều sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. 
Tương tự, ông Đình Hiển, CEO hệ thống Surface City, cho hay khi bước sang tháng 1/2023, hầu hết hàng hoá tại cửa hàng đều được điều chỉnh giá giảm khoảng 20% so với trước. Sau giảm, các máy Microsoft Surface thấp hơn khoảng 1-2 triệu đồng so với tháng 12/2022.
Mặc dù giảm tăng trưởng so với quý 4/2021, song thị trường laptop vẫn đang có xu hướng đi lên. 
“Nếu so với năm 2020, thị trường vẫn có sự tăng trưởng khoảng 45-50%, mức tăng trưởng rất tốt sau nhiều năm giảm dần”, phía CellphoneS thông tin.
Sau các biện pháp ưu đãi rầm rộ, ông Đình Hiển cho rằng doanh số của ngành hàng máy tính sẽ gia tăng trong giai đoạn cuối năm.
Đánh giá về tình hình chung thời gian tới, lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận định những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn đề thiếu hụt năng lượng đã và đang diễn ra ở phạm vi toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm... 
Trong nửa đầu 2023, người dùng sẽ tiếp tục có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, chi phí doanh nghiệp sẽ gia tăng.
Đặc biệt, thị trường sản phẩm công nghệ và điện máy có thể chịu nhiều tác động kém khả quan do là ngành hàng giá trị cao và không thiết yếu. 
Tuy vậy, tình hình vĩ mô được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - tiêu dùng dần hồi phục trở lại.
Hải Đăng (theo vietnamnet)