Thứ ba, 19/5/2020, 20h42

Làm phim để dạy học trực tuyến

Thy Phm Lê Thanh và hc sinh trong trưng

Phương pháp dạy này đã được thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa học Trường THPT Ngô Quyền, Q.7, TP.HCM) áp dụng khi triển khai dạy trực tuyến ở bộ môn hóa cho học sinh lớp 12 trong thời gian qua. Theo đó, kiến thức trong những bài giảng trực tuyến được thầy Thanh hệ thống qua sơ đồ tư duy, qua video lồng ghép các bài thơ, bài hát và vè, chuyển thể thành những thước phim sinh động. “Vấn đề của học sinh lớp 12 khi tự học ở nhà là hệ thống kiến thức môn học. Từ việc trực quan hóa kiến thức qua hình ảnh, âm thanh…, giáo viên không chỉ tạo ra các bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn học sinh mà kiến thức cũng dễ nhớ hơn, đặc biệt là giúp cho khoảng thời gian tự học ở nhà của các em được thoải mái hơn”, thầy Thanh cho biết.

Để xây dựng được những thước phim phục vụ cho bài giảng, ngoài việc tìm kiếm tư liệu phù hợp với kiến thức, theo thầy Thanh, điều khó nhất là phải cắt ghép những đoạn phim ngắn cần thiết rồi sắp xếp lại sao cho bật lên nội dung chính của bài học. Các kỹ năng này giáo viên phải học từ… học sinh của mình. Trong bài giảng trực tuyến ở bộ môn hóa, thí nghiệm cũng là yếu tố không thể thiếu. Với đặc thù của một bộ môn khoa học, nhằm giúp học sinh mở rộng kiến thức, đưa hóa học đến gần với đời sống, trước hoặc sau khi giảng kiến thức mới, bài giảng của thầy Thanh luôn có thêm chuyên mục “5 phút - đọc báo cùng bạn”. “Đây là những câu chuyện thực tế trong nước và quốc tế đã diễn ra trên mặt báo có liên quan đến nội dung bài giảng. Đó có thể là những phát minh mới, ứng dụng mới nhưng cũng có thể là những sự cố, tồn tại để học sinh có hướng đề xuất, giải quyết - học đi đôi với hành, mở rộng hơn tư duy môn học cho học sinh, từ đó các em thấy bài giảng trực tuyến không nhàm chán”, thầy Thanh chia sẻ.

Theo thầy Thanh, trong hình thức dạy học trực tuyến, nếu giáo viên biết cách thiết kế hoạt động và câu hỏi, xây dựng được kịch bản dạy theo hướng mở thì phương pháp này giúp học sinh thoải mái và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực phản biện...

Bài, ảnh: Q.Long