Thứ bảy, 16/5/2020, 10h26

Lần đầu Kiều lên sân khấu ballet

Ballet Kiều - tác phẩm ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, niềm tự hào của văn học Việt - đang trên sàn tập để lên sân khấu Nhà hát TP.HCM vào tháng 6 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8 tới.

Các nghệ sĩ của HBSO trên sàn tập Ballet Kiều. Ảnh: Phúc Hải
Chuyển thể và tổng đạo diễn cho vở Ballet Kiều là biên đạo múa - thạc sĩ Tuyết Minh (chỉ đạo nội dung: Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Ứng Duy Thịnh, biên đạo múa: Tuyết Minh - Phúc Hùng, âm nhạc: Việt Anh - Chinh Ba, biểu diễn: Đoàn vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM - HBSO).
Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, khi chuyển thể, chị đã đặt mình trong sự tiếp nhận văn học hiện đại, chủ động làm giàu hơn cho tác phẩm thơ trữ tình trường thiên này với tâm thế của tác giả thứ hai đồng sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật múa; mang tới một cách cảm khác về tác phẩm nhưng không xa với cái “như nó là” theo nguyên tác, bởi “tư tưởng của đại thi hào Nguyễn Du không máy móc ở Nho, Lão hay Phật giáo mà đi đến cốt tủy nhất của Đạo và Đời”.
Theo đó, chị muốn thể hiện giá trị “đạo làm người” mà Nguyễn Du gửi gắm trong Kiều. Ballet Kiều sẽ không miêu tả lại 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều mà cô đọng hàm ý 3.254 câu thơ qua 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên, diễn tiến của vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn, bởi “thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa của tâm trạng: lúc thì thầm, dìu dặt, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương để rồi tan chảy, nén chịu và khoan nhặt, thanh thoát, đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung mà cũng là tiếng lòng của đại thi hào Nguyễn Du trước sự éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời”, chị chia sẻ.

Thách thức lớn đòi hỏi diễn viên chuyên môn cao
Hơn 10 năm trước, từng có dự án ballet Kiều được ấp ủ thực hiện, nhưng khi ra mắt, vì nhiều lý do nên tác phẩm được dựng ở hình thức thanh xướng kịch. Năm 2018, Truyện Kiều được biên đạo Hàn Quốc Chun Yoo-oh chuyển thể và dựng thành vở múa Kiều; trong đó bà đặc tả 15 năm lưu lạc của Kiều qua 3 nàng Kiều tương ứng với: đời thực của Kiều, linh hồn của Kiều, tương lai của Kiều, nhằm chuyển tải cuộc sống lưu lạc phong trần và sự truân chuyên của kiếp hồng nhan.
Theo NSƯT Trần Hoàng Yến - người vào vai Kiều trong Ballet Kiều (cũng là 1 trong 3 nàng Kiều của vở múa Kiều): “Ở vở múa trước, tôi vừa là Kiều, mà có khi lại chỉ là một người dõi theo cuộc đời Kiều, khá trừu tượng… Còn với Ballet Kiều, tôi lại sống với Kiều theo cách khác. Trọn tác phẩm, tôi là Kiều, bằng xương bằng thịt, với một tình yêu rất đẹp cùng Kim Trọng và sau đó là chuỗi những đau khổ, gian truân, cảm xúc diễn viên qua mỗi đoạn lại được đẩy lên, tự nhiên theo đúng cảm xúc của nhân vật”.
Chọn ballet - loại hình nghệ thuật múa kinh điển để “kể” Truyện Kiều, biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng: “Tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn”. Bởi, đối với nghệ thuật biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm trong dàn dựng các vở diễn lớn sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn mà theo các biên đạo của vở, thách thức lớn nhất là phải hòa hợp ballet của văn hóa phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Đông đậm bản sắc Việt.
Ballet Kiều có sự tham gia của NSƯT Trần Hoàng Yến (vai Thúy Kiều), Kim Tuyền (Đạm Tiên), Khang Ninh (Thúy Vân), Minh Tú (Hoạn Thư 1), Kim Dung (Thúy Kiều 2), Khánh Vy (mẹ Thúy Kiều); NSƯT Phi Điệp (Từ Hải), NSƯT Đức Nhuận (Kim Trọng), Sùng A Lùng (Tú Bà và người dẫn truyện), Minh Hiền (Thúc Sinh), Thái Bình (Sở Khanh), Minh Tâm (Đạm Tiên 2 và sư Giác Duyên), Anh Hòa (cha Thúy Kiều), Bảo Bảo (anh trai Thúy Kiều)…
“Cảm nhận từng giọt nước mắt của Kiều”
Khi bắt tay vào xây dựng âm nhạc, nhân vật Kiều không còn ở trong trang giấy mà trở nên thân quen với tôi hơn mỗi ngày, đến mức tôi có thể cảm nhận từng giọt nước mắt và nỗi đau suốt những năm đoạn trường của nàng. Những bi kịch đã có sẵn trong Kiều, nàng đã đi hết một vòng đời để tìm lại chính mình… Người viết kịch bản đã có những góc nhìn, cảm nhận và lý giải riêng với tinh thần Phật giáo về tác phẩm Kiều. Âm nhạc sẽ được kết hợp giữa nhiều phong cách, những nhạc cụ dân tộc solo trên nền cổ điển, song tấu giữa đàn cello và đàn nhị, hay phần hát hợp xướng mang âm hưởng Phật giáo…
Nhạc sĩ Việt Anh

Theo Nguyên Vân/TNO