Thứ bảy, 4/12/2021, 11h10

Lèo tèo dưới chục trẻ đăng ký đến trường mầm non

Theo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục của UBND TP.HCM đến nay, ngoài 3 khối lớp 1, 9 và 12, sau đó một tuần lứa trẻ 5 tuổi của bậc mầm non cũng sẽ đến trường học trực tiếp.

Thế nhưng, thông qua việc lấy ý kiến, Ban giám hiệu nhiều trường cho biết chỉ có vài phụ huynh đăng ký cho trẻ mầm non đến trường.

Tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường rất thấp

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh Uyên, sáng lập hệ thống Trường mầm non Việt Đức (TP.HCM). Hệ thống có 6 cơ sở mầm non nhưng cô Uyên cho biết thông qua việc lấy ý kiến phụ huynh thì tỷ lệ trẻ đăng ký đi học sắp tới cực kỳ thấp. Cơ sở cao nhất có 7 - 8 trẻ, thậm chí cơ sở ở Q.11 của hệ thống trường này chỉ có vài bé.

Cô Minh Uyên cho biết dù phụ huynh có đăng ký ít hay nhiều nhưng khi nghe tin được mở cửa trở lại, giáo viên và quản lý các trường đều rất vui, vì cửa trường đã đóng im ỉm nửa năm nay.

Lèo tèo dưới chục trẻ đăng ký đến trường mầm non  - ảnh 1

Theo thống kê của nhiều trường, tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho trẻ đi học lại rất thấp. NGUYỄN LOAN

6 tháng đóng cửa nhưng nữ quản lý cho biết luôn dành thời gian, tâm sức để sửa chữa, vệ sinh trường thường xuyên. Do đó mọi thứ từ đồ dùng học tập, khu vực vui chơi, đồ chơi, cơ sở vật chất… đều được chuẩn bị chỉn chu và đã trong tâm thế sẵn sàng.

“Bây giờ nếu tổ chức đi học mà chỉ có 5 - 7 bé đến lớp thì khó lắm, vì chừng đó trẻ cũng phải vận hành nguyên một bộ máy với ít nhất 2 giáo viên, quản lý, nhân viên y tế, cấp dưỡng, bảo vệ… với chi phí rất lớn. Nhưng cơ sở nào xấp xỉ được khoảng 10 trẻ đăng ký thì mình vẫn cho mở cửa trường cho “có không khí” vì phải đóng cửa quá lâu rồi. Riêng Hệ thống mầm non Việt Đức chỉ có cơ sở ở Q.8 và Q.12 đạt gần 10 trẻ, số còn lại rất thấp không thể mở lớp”, cô Uyên giải thích.

Lý giải về tình trạng này, theo cô Uyên, hiện phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại cho con đi học khi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Nhiều phụ huynh sẽ xem xét tình hình khi trẻ đi học lại 1 - 2 tuần, thấy ổn mới đăng ký.

“Ngoài ra, ngày đón trẻ theo kế hoạch là 20.12, gần cuối tháng, với trẻ mầm non chi phí thường được gói gọn tính theo từng tháng nên phụ huynh muốn cho con đi học từ đầu tháng. Do vậy, tôi nghĩ đầu tháng 1 lượng trẻ có thể tăng thêm so với con số hiện tại”, cô Uyên chia sẻ.

Dù lượng trẻ đăng ký đi học trong đợt này có thể rất thấp nhưng theo cô Uyên, việc thí điểm này là cần thiết. Thông qua việc đón trẻ, các trường sẽ có thời gian chuẩn bị, đánh giá cũng như có kinh nghiệm khi mở cửa đón đồng loạt tất cả các nhóm lớp khác. Các nhà quản lý cũng có thể dựa trên tuần đầu tiên để đánh giá được tình hình khi mở cửa trường.

Cô Trần Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Định (Q.1), cho biết trường có 61 trẻ lớp lá nhưng khi thực hiện khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh mới đây thì chỉ có 3 em được cha mẹ đồng ý đi học lại.

Tương tự, ở Trường mầm non Cẩm Tú (Q.Bình Tân) có 9/123 trẻ lớp lá được cha mẹ đăng ký cho đi học, Trường mầm non tư thục 1/6 (Q.Bình Tân) có 10/80. Còn ở Q.1, thông qua việc lấy ý kiến phụ huynh thì Trường mầm non Lê Thị Riêng có tỷ lệ cao nhất đạt 21,82%; thấp nhất là Trường mầm non Phạm Ngũ Lão chỉ có 3,17%. Các trường còn lại hầu hết chỉ có dưới 10 trẻ được cha mẹ đăng ký.

Trường vẫn tất bật chuẩn bị đón trẻ

Dù số lượng đăng ký ít nhưng cô Trần Thị Trang cho biết trường đã lên kế hoạch chi tiết để đón trẻ, trong đó toàn bộ giáo viên được tập huấn kỹ từng bước trong các khâu đón, chăm sóc, theo dõi và trả trẻ, cũng như cách xử lý khi có các tình huống phát sinh. Cơ sở vật chất, trường lớp, đồ dùng vui chơi và học tập đều đã được vệ sinh sạch sẽ; phòng y tế, phòng cách ly… đã được chuẩn bị đầy đủ.

“Với số lượng trẻ ít, việc tổ chức đi học lại sẽ rất khó khăn vì khi đón một trẻ thì trường cũng phải tổ chức như 100 trẻ với đủ các bộ phận. Việc tổ chức lại cụ thể như thế nào thì chúng tôi sẽ xin thêm ý kiến của lãnh đạo. Dù vậy, theo kế hoạch chúng tôi vẫn trên tinh thần chuẩn bị sẵn sàng để đón các em”, cô Trang nói.

Bây giờ nếu tổ chức đi học mà chỉ có 5 - 7 bé đến lớp thì khó lắm, vì chừng đó trẻ cũng phải vận hành nguyên một bộ máy với ít nhất 2 giáo viên, quản lý, nhân viên y tế, cấp dưỡng, bảo vệ… với chi phí rất lớn.

NGUYỄN THỊ MINH UYÊN, Sáng lập hệ thống Trường mầm non Việt Đức, TP.HCM

Tương tự, cô Mỹ Nương, Hiệu trưởng Trường mầm non 30/4 (H.Bình Chánh), cho biết trường có gần 100 trẻ lứa 5 tuổi, dù tỷ lệ phụ huynh đăng ký không cao nhưng trường cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. “Hồi đầu tháng 11 chúng tôi có lấy ý kiến phụ huynh thì lúc đó nhiều người cho biết nếu tình hình ổn định, an toàn thì họ sẽ cho con đi học, nhưng đến thời điểm này thì tỷ lệ đồng ý cũng giảm đi nhiều”, cô Nương chia sẻ.

Cũng tất bật làm đẹp lại trường sau khi được trưng dụng phục vụ y tế, cô Lê Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Tú (Q.Bình Tân), vận động toàn bộ giáo viên, công nhân viên tham gia vệ sinh, phục hồi lại trường cả trong lớp học lẫn ngoài khuôn viên. Ngoài ra, trường cũng lên kế hoạch, phương án cụ thể khi đón trẻ quay trở lại trường.

“Khi thực hiện thí điểm cho trẻ mầm non đến trường, các trường cần phải tổ chức thật tốt, đảm bảo được các tiêu chí đồng thời chia sẻ với phụ huynh. Khi nhìn thấy kết quả khả quan, họ sẽ yên tâm để gửi con, tỷ lệ đi học lúc đó sẽ cao hơn”, cô Xuân nói.

Theo Nguyễn Loan/TNO