Thứ năm, 19/5/2022, 16h49

Lịch sử phải hấp dẫn học sinh từ tiểu học

Hiện nay, ở bậc tiểu học, học sinh được học lịch sử ở lớp 4 và lớp 5. Cũng như học sinh THCS và THPT, học sinh tiểu học cũng không thích môn lịch sử. Với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học, bài học lịch sử phải là câu chuyện lịch sử với nhiều tình tiết hay lạ, hấp dẫn để thu hút các em như những truyện tranh lịch sử; phim hoạt hình, kịch, cải lương… có đề tài lịch sử. Thế nhưng, sách giáo khoa lịch sử ở bậc tiểu học hiện hành toàn là số liệu, ngày tháng, sự kiện dày đặc mà không có sự hấp dẫn nào. Bài lịch sử lớp 5 “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” nói về 12 ngày đêm Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội với nội dung đầy chi tiết như: “… Đêm 20 rạng sáng 21-12, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 7 chiếc B52, có 5 chiếc B52 rơi tại chỗ, bắt sống 12 phi công Mỹ. Ngày 26-12 bắn rơi 18 máy bay Mỹ, trong đó có 8 máy bay B52, 5 chiếc bị bắn rơi tại chỗ, bắt sống nhiều phi công Mỹ…”, hay bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” có nội dung: “Sân bay Mường Thanh bị uy hiếp, máy bay địch không xuống được sân bay buộc phải thả hàng tiếp tế, nhưng rơi không đúng vị trí, bộ đội ta thu được nhiều chiến lợi phẩm”. Học sinh không thể nào nhớ nổi và nhớ để làm gì? Nhiều bài lịch sử ở bậc tiểu học thật sự “lạc lõng” như bài “Nhà máy hiện đại đầu tiên ở nước ta” và bài “Xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình” trong chương trình lớp 5. Bài “Nhà máy hiện đại đầu tiên ở nước ta” nói về việc xây dựng nhà máy cơ khí Hà Nội năm 1955 với nội dung: Thời gian nhà máy xây dựng, được Liên Xô giúp đỡ, sản xuất những sản phẩm gì. Bài “Xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình” cũng nội dung: Thời gian nhà máy xây dựng, được Liên Xô giúp đỡ… Tôi không hiểu những bài học có nội dung như thế có thật sự cần thiết với môn lịch sử ở bậc tiểu học? Nhiều câu hỏi trong bài dường như không hướng tới mục tiêu lịch sử như: “Để xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, cán bộ, công nhân Việt Nam và Liên Xô đã phải lao động ra sao?”…

Sách giáo khoa biên soạn cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học đã đến lớp 3. Tôi tha thiết mong các tác giả biên soạn sách giáo khoa lịch sử lớp 4, lớp 5 sắp tới chắt lọc nội dung và xây dựng nên những câu chuyện lịch sử phù hợp và hấp dẫn để học sinh tiểu học yêu thích lịch sử. Có như thế, dù ở độ tuổi nào, các em cũng sẽ tìm hiểu lịch sử nước nhà mà chúng ta không phải băn khoăn môn lịch sử ở THPT nên là môn tự chọn hay bắt buộc.

Lê Phương Trí