Thứ tư, 4/12/2019, 09h41

‘Linh hồn’ chương trình mới còn bí ẩn với nhiều giáo viên

Đến nay, không ít giáo viên vẫn còn ‘lơ mơ’ về chương trình mới. Thậm chí, nhiều người cảm thấy… phiền phức và mệt mỏi với cuộc đổi mới có tính bước ngoặt này.

Sách giáo khoa mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Việc tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên cốt cán và phổ biến lại ở các địa phương cũng được triển khai. Đến nay, không ít giáo viên vẫn còn “lơ mơ” về chương trình mới. Thậm chí, nhiều người cảm thấy… phiền phức và mệt mỏi với cuộc đổi mới có tính bước ngoặt này.

Thiếu chủ động

Trường tiểu học N.T. ở ngoại thành TP.Hà Nội, các cô giáo vẫn lên lớp như những năm trước, không khí nói chung không có gì thay đổi, dù thời gian áp dụng chương trình mới đã cận kề.

Lần thay đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trương hướng đến việc đề cao chương trình hơn là sách giáo khoa. Song, câu chuyện ngoài giờ của các thầy cô mới chỉ xoay quanh những băn khoăn về việc lựa chọn sách giáo khoa, việc bao giờ giáo viên mới được tiếp cận bộ sách chính thức của trường mình, địa phương mình. Trước những cốt lõi của đổi mới là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học thì hầu hết các thầy cô đều lơ mơ.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ hướng các địa phương đến vấn đề sách giáo khoa, còn “sợi chỉ đỏ” là chương trình thì có quá ít thông tin. Ảnh: Trương Mẫn

Trong khi, tới đây, một số môn học sẽ không còn là môn độc lập như trước, mà được tích hợp như các môn học ở bậc THCS: ba môn lý, hóa, sinh sẽ là môn khoa học tự nhiên; môn lịch sử, địa lý sẽ là môn sử địa.

Chưa kể những hoạt động trải nghiệm hay một số môn học sẽ đưa lên, đưa xuống giữa các cấp học (như học xác suất, thống kê từ lớp Hai, thay vì thống kê được dạy một ít ở lớp Bốn và Năm; lên bậc THCS học sinh được học ở lớp Bảy và bậc THPT là ở lớp Mười. Còn xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11 như chương trình hiện hành). 

Chị T.H. - một viên chức, từng công tác ở nhiều trường tiểu học xót xa: Bộ GD-ĐT thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học đã khá lâu, nhưng thú thực là những khái niệm này vẫn xa lạ với hầu hết giáo viên.

“Tôi chưa thấy thầy cô nào hào hứng với lần đổi mới này, chỉ nghe kêu phiền và mệt. Thú thực, hơn mười năm công tác ở các trường tiểu học, tôi chưa thấy giáo viên nào hào hứng với những thay đổi, chứ đừng nói đến việc các thầy cô chủ động tìm hiểu chương trình mới”, vị viên chức lâu năm nói.

Ở H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nhiều thầy cô bậc tiểu học gãi đầu gãi tai thú nhận rằng, các thầy cô vẫn còn lơ mơ lắm, chưa rõ sự khác biệt trong chương trình mới lần này.

Thầy L.V.Q. - một phó hiệu trưởng cho biết: giữa tháng 11 qua, cả tỉnh có 183 thầy cô đi tập huấn bồi dưỡng giáo viên cốt cán triển khai kiến thức giáo dục phổ thông mới. Có lẽ chỉ các thầy cô đã đi tập huấn mới phân biệt được sự khác nhau giữa chương trình và sách giáo khoa; mới nắm được chương trình hay sách giáo khoa là yếu tố quyết định của lần thay đổi có tính bước ngoặt này. 

“Chương trình môn học chi tiết thường rất dài. Đọc và hiểu hết được không phải là điều dễ dàng. Tài liệu cũng không phải dạng “public”. Ở một số trường trên địa bàn H.Mường Khương mà tôi biết, thì số lượng giáo viên tìm hiểu chương trình mới cũng như chương trình môn học chi tiết rất ít”, thầy Q. bày tỏ.

Cần sự đồng bộ

Ngoài việc không ít giáo viên thiếu chủ động trong tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới thì những thông tin, tài liệu về chương trình này cũng chưa được Bộ GD-ĐT phổ biến liên tục, đồng bộ.

Tinh thần chung của chương trình mới lần này, sách giáo khoa chỉ là công cụ, chất liệu cho việc giảng dạy và học tập. Cái lõi tiên quyết của thay đổi, là chuyển từ việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho người học sang phát hiện năng lực, sở trường của người học để phát triển những sở trường, năng lực đó (bên cạnh việc đào tạo toàn diện). Nhưng dường như, suốt thời gian qua, bộ mới chỉ hướng các địa phương, các thầy cô và phụ huynh đến vấn đề sách giáo khoa. Còn “sợi chỉ đỏ” là chương trình thì đang có quá ít thông tin để tiếp cận.

Thay đổi việc truyền đạt kiến thức sang phát hiện năng lực, vai trò của các thầy cô càng quan trọng. Điều cần thiết, là các thầy cô phải chủ động tìm hiểu, chủ động học hỏi để tự thân mình thoát khỏi vị trí “thợ dạy”, trở thành nhà sư phạm.

Một nỗi băn khoăn không hề nhỏ nữa, là với lần đổi mới giáo dục này, giáo viên cốt cán chỉ có ba buổi tập huấn rồi về phổ biến tại địa phương; thì liệu tinh thần đổi mới, chương trình mới có được truyền đạt lại một cách cặn kẽ, thấu đáo hay không?

Bởi thực tế lâu nay, việc tập huấn đại trà cho giáo viên chỉ gói gọn trong một ngày. Thậm chí, không ít đợt tập huấn, giáo viên cốt cán không tập huấn lại mà chỉ gửi tài liệu về các trường rồi yêu cầu các trường “làm bài tập”. Tới ngày tập huấn tập trung, các trường chỉ thay nhau lên trình bày bài tập đã chuẩn bị là… xong đợt tập huấn.

Trước hết, Bộ GD-ĐT cần phải làm thế nào để mọi giáo viên hiểu được rằng, chương trình mới lần này vô cùng quan trọng và cũng vô cùng khác với những lần thay đổi trước đây. So ngay với lần thay sách giáo khoa năm 2000, khi đó chương trình được thực nghiệm rộng rồi mới đưa vào đại trà. Nhưng chương trình mới lần này chỉ tập huấn một số nội dung mới rồi đưa vào thực hiện đại trà ngay. Và nếu năm 2000, sách giáo khoa là thay đổi trọng tâm, thì kỳ đổi mới này, chương trình mới là “linh hồn”.

Khi giáo viên nhiều năm qua đã coi trọng sách giáo khoa trong việc giảng dạy, nếu không chủ động thay đổi, không chuẩn bị tâm thế để nhập cuộc; thì rất khó để chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả tương xứng với tính ưu việt của nó. 

Theo Ngọc Minh Tâm/PNO