Thứ bảy, 28/12/2019, 16h03

Loạt công việc hấp dẫn nếu bạn học ngành Tài chính - Ngân hàng

Theo thống kê mới đây từ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng từ nay đến năm 2025 sẽ tăng đến 20%/năm. Thêm vào đó, làn sóng đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài mở thêm nhiều cơ hội “Go International” cho sinh viên ngành này.

Như thế nghĩa là chọn ngành Tài chính - Ngân hàng giai đoạn này, bạn sẽ có nhiều hơn những vị trí nghề nghiệp hấp dẫn. Cùng điểm qua những công việc thú vị nếu bạn chọn lựa ngành Tài chính - Ngân hàng nhé!

Làm ngân hàng: Không chỉ là “ngập” trong những con số!

Đặc thù của ngành Tài chính - Ngân hàng liên quan đến tiền bạc, tài sản, số liệu, tính toán,... Nhưng không chỉ tính toán, nhiều vị trí đặc biệt yêu cầu cả kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết phục, xử lý tình huống - những lựa chọn hợp lý nếu bạn yêu thích tương tác với nhiều người.

Không chỉ tính toán những con số, học ngành Tài chính – Ngân hàng còn làm việc ở nhiều vị trí đặc biệt khác

Công việc phổ biến đầu tiên là Giao dịch viên. Công việc của bạn là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, thực hiện các dịch vụ như mở thẻ, chọn gói tiết kiệm, gửi tiết kiệm,... Và bạn hình dung được rồi đấy, bạn chính là “gương mặt thương hiệu” của ngân hàng, góp phần tạo nên ấn tượng tốt đẹp với khách hàng - trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng hiện nay.

Những vị trí khác tương tự là Giao dịch viên chứng khoán (làm việc với khách hàng doanh nghiệp, những nhà đầu tư lớn trong các thủ tục lập tài khoản chứng khoán), Chuyên viên thanh toán quốc tế (đảm nhận các giao dịch và thanh toán quốc tế), Chuyên viên tín dụng (làm việc với khách hàng trong các vấn đề tư vấn vốn, thủ tục vay vốn, kiểm tra nguồn vốn,...). Và với những công việc yêu cầu nhiều kỹ năng như thế, hiệu quả cũng như đãi ngộ dành cho bạn sẽ phụ thuộc vào chính kỹ năng làm việc của bạn. Hãy chú ý nhiều hơn đến các trường đại học có môi trường năng động, phù hợp để phát triển kỹ năng mềm bạn nhé!

Tư duy chiến lược khẳng định vị thế

Bên cạnh các vị trí trên, ngành Tài chính - Ngân hàng còn có thể mang đến nhiều nghề nghiệp hấp dẫn khác như Chuyên viên phân tích tài chính, Chuyên viên tư vấn tài chính, Chuyên viên quản lý rủi ro, Chuyên viên tư vấn đầu tư hay Kế toán, Kiểm toán nội bộ,... Có thể bạn rất ít khi nghe đến (vì đặc thù những vị trí này không phải là “người của công chúng” như giao dịch viên), nhưng như thế không có nghĩa là những công việc này không thú vị.

Trở thành Chuyên viên phân tích tài chính là một nghề hấp dẫn dành cho cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng

Như với vị trí Chuyên viên phân tích, tư vấn tài chính, bạn sẽ là người nắm vững nhất các thông tin, xu hướng thị trường tài chính; từ đó đưa ra các dự báo, giúp các công ty, doanh nghiệp hoặc khách hàng cá nhân đưa ra quyết định sử dụng các nguồn lực tài chính đúng đắn nhất. Trong khi đó, với công việc Chuyên viên tư vấn đầu tư, bạn còn cần có thêm hiểu biết về Luật thuế, Luật đầu tư,... để tham mưu cho lãnh đạo.

Một vị trí khác là Chuyên viên quản trị rủi ro - hỗ trợ chiến lược, dự báo, phân tích, giám sát rủi ro và lên kế hoạch để giảm thiểu rủi ro trong doanh nghiệp. Công việc này khá nhiều áp lực nhưng bù lại, áp lực càng cao mức đãi ngộ càng hấp dẫn. Nhưng bạn cần lưu ý, công việc liên quan đến chiến lược thường kèm yêu cầu kinh nghiệm; nên nếu đã hứng thú, hãy “tranh thủ” tích lũy kinh nghiệm ngay trong quá trình học tập để tự mở ra cơ hội cho bản thân.

Học Tài chính - Ngân hàng, bí quyết nào để “bắt trọn” cơ hội hấp dẫn?

Nếu yêu thích, bạn hãy trang bị cho mình một “hệ chuyên môn” thật vững vàng để tự tin dấn thân. Vũ khí đầu tiên là những kiến thức nền tảng - về tài chính, các loại hình ngân hàng, thanh toán, tín dụng,... Ở một số trường đại học uy tín trong đào tạo ngành này như trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), sau khi tích lũy kiến thức nền tảng, sinh viên sẽ chọn một trong các chuyên ngành gồm Tài chính doanh nghiệp, Tài chính ngân hàng, Đầu tư tài chính và Thẩm định giá để tích lũy “vũ khí chuyên sâu”.

Sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng HUTECH được trải nghiệm mô hình làm việc thật ngay trên giảng đường

Các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư vấn, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống cũng rất cần thiết. Ngoài ra, với phạm vi nghề nghiệp rộng lớn của ngành Tài chính - Ngân hàng, bạn nên cân nhắc những trường đại học có chiến lược hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ, cho phép sinh viên trải nghiệm thật nhiều ngay trên giảng đường để sớm định hướng nghề nghiệp, từ đó kịp thời “trang bị” những kinh nghiệm cần thiết - thông qua đồ án, kiến tập, thực tế, thực tập,...

Thông tin xét tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng tại một số trường Đại học:

- Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 trở lên; hoặc xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH.

- Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D96 (Toán, KHXH, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia.

T.D.V