Thứ hai, 29/3/2021, 10h13

Lý do Microsoft muốn bỏ 10 tỷ USD tìm kiếm TikTok mới

Nỗ lực mua lại Discord với giá 10 tỷ USD cho thấy Microsoft vẫn đang muốn sở hữu một mạng xã hội có ảnh hưởng như TikTok.
Từ đầu năm 2021, đã có 2 mạng xã hội được chú ý. Nền tảng trò chuyện Clubhouse phát triển nhanh chóng mời được nhiều khách mời nổi tiếng của làng công nghệ. Trong khi đó, mạng chat hướng tới game Discord được biết đến khi sắp trở thành một phần của Microsoft với trị giá 10 tỷ USD.
Discord được sáng lập vào năm 2015. Ban đầu, đây là dịch vụ chat hướng tới những người chơi game. Với khả năng trò chuyện thông qua cả văn bản, cuộc gọi và video, Discord nhanh chóng trở thành công cụ phổ biến cho những người chơi game cùng nhau.
Discord là phần mềm chat, trò chuyện hướng tới người chơi game.
Thông tin về việc Microsoft mua lại Discord mới chỉ được tiết lộ trong tuần qua. Định giá 10 tỷ USD cho thương vụ khá tương đồng với mức giá 7 tỷ USD mà các nhà đầu tư của công ty này đặt ra vào cuối năm 2020. Nếu như sở hữu Discord, Microsoft sẽ có thêm một công cụ giúp họ bám lấy định hướng phục vụ sở thích, công việc của người dùng.
Sự tiến hoá từ một phần mềm chat
Các công cụ trò chuyện cho game thủ đã xuất hiện từ lâu. Trước đây, game thủ thường lựa chọn các ứng dụng như Skype hay TeamSpeak để có thể trao đổi với nhau trong khi chơi.
Khi giới thiệu Discord vào năm 2015, 2 nhà sáng lập Jason Citron và Stan Vishnevskiy không giấu tham vọng vượt qua cả 2 ứng dụng trên trong mảng công cụ trò chuyện.
Jason Citron từng là một nhà phát triển game. Đến năm 2014, ông nhận ra rằng tính năng mà nhiều người chơi sử dụng nhất trong trò chơi của mình là trò chuyện. Do đó, Citron quyết định đóng mảng làm game, cho nghỉ việc 1/3 số nhân sự, và tập trung cho tính năng chat.
Đội ngũ phát triển ứng dụng Discord. 
Hai đặc điểm đáng chú ý nhất của Discord là chất lượng cuộc thoại và tính năng cho phép người dùng tạo phòng chat, quản lý chúng. Thay vì phải chờ đủ mọi người vào phòng và bấm nút thực hiện cuộc gọi như các ứng dụng thông thường, phòng thoại của Discord luôn kết nối. Bất kỳ ai khi muốn có thể vào phòng thoại và tham gia cuộc trò chuyện ngay lập tức.
Chính những tính năng này giúp Discord thu hút những người dùng đầu tiên khi họ đã quá chán Skype. Khi những người dùng này đã quen với việc sử dụng Discord để nói chuyện với nhau trong game, họ cũng bắt đầu dùng nó để nói những chuyện khác, như hẹn nhau đọc sách hay thảo luận về các chủ đề.
Dịch Covid-19 khiến lượng người ở nhà chơi game tăng vọt, và số người dùng Discord cũng tăng. Công ty này cho biết số người dùng hàng tháng của họ đã lên tới 140 triệu.
Doanh thu của Discord năm 2020 đạt 100 triệu USD. Điểm đáng giá của Discord là họ thu tiền chủ yếu nhờ bán các gói tính năng cao cấp cho người dùng. Mô hình kinh doanh này khác hẳn so với phần lớn mạng xã hội vẫn đang phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo và dữ liệu của khách hàng.
Sự đa dạng khiến Microsoft thích thú
Chỉ sau vài năm, Discord đã trở thành một trong những nền tảng chia sẻ nổi bật nhất khi chơi game. Công ty này cũng rất nhanh chóng nắm bắt những tựa game mới nổi, nhiều người chơi để giới thiệu trên trang chủ. Năm 2020, khi Among Us bắt đầu được chú ý, cộng đồng game này trên Discord nhanh chóng đạt 413.000 người theo dõi.
Joost van Dreunen, Giáo sư tại Đại học New York cho rằng Discord sẽ cực kỳ phù hợp với nền tảng Xbox của Microsoft. Microsoft đã sở hữu phần cứng, phần mềm, và ứng dụng kết nối cộng đồng sẽ là mảnh ghép cuối cùng mà công ty này cần.
Discord không giấu tham vọng thay thế Skype ngay từ khi ra đời
Trong quý IV/2020, mảng game của Microsoft cũng tăng trưởng nhanh chóng và đạt mức doanh thu 5 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, lý do Microsoft muốn mua Discord có thể đến từ những cộng đồng bên ngoài game mà nền tảng này thu hút. Từ vài năm nay, công ty này đã liên tục tìm cách tiếp cận những cộng đồng đặc thù, đông đảo.
Năm 2020, Microsoft là một trong những công ty muốn mua lại TikTok tại Mỹ, trước khi thoả thuận đổ bể. Microsoft đã sở hữu Github, cộng đồng lập trình viên lớn nhất thế giới vào năm 2018. Họ cũng mua lại hãng game ZeniMax vào cuối năm 2020.
Lịch sử phát triển của Discord cũng vướng phải những rắc rối về kiểm duyệt nội dung. Thời gian đầu, ứng dụng này trở thành nơi tụ tập của những thành phần cực hữu. Discord là nền tảng để kêu gọi cuộc tuần hành của những người có tư tưởng da trắng thượng đẳng vào năm 2017.
Trong những năm sau, Discord đã đẩy mạnh nỗ lực để kiểm soát những nội dung quá khích. Các sự kiện được tổ chức khơi nguồn từ Discord cũng đa dạng hơn. Năm 2020, nền tảng này được sử dụng để tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong phong trào Black Lives Matter.
PV (theo vietnamnet)