Thứ bảy, 27/5/2023, 10h11

Mildred Pierce: Bộ phim kinh điển về tình mẹ

Tình mẫu tử thiêng liêng, sự kiên cường của người mẹ là những phẩm chất của nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng Hollywood ra mắt hơn 7 thập kỷ trước

Trên màn ảnh, hình tượng người mẹ nhiều lần trở thành cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Gần đây, một số bộ phim tình mẫu tử gây ấn tượng đẹp nơi khán giả. Thế nhưng, nhắc đến những bộ phim kinh điển về chủ đề này, không thể bỏ qua Mildred Pierce của đạo diễn Michael Curtiz. 

Tình mẫu tử là chủ đề lớn trong phim

Tình mẫu tử là chủ đề lớn trong phim. Ảnh: Internet

Mildred Pierce ra mắt vào tháng 9/1945, tức chỉ một thời gian ngắn sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, câu chuyện trong phim (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên) lấy bối cảnh thập niên 1930 ở Mỹ. Bộ phim bắt đầu bằng cảnh một vụ án mạng, sau đó là trích đoạn nhân vật chính Mildred Pierce (Joan Crawford) dường như đang muốn quyến rũ gã doanh nhân Wally Fay (Jack Carson). Mọi chuyện hóa ra là âm mưu của Mildred để Wally bị cảnh sát bắt giữ ngay bên ngoài hiện trường vụ án.

Nạn nhân là Monte Beragon (Zachary Scott), người chồng thứ hai của Midred. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cô, cảnh sát không xem Wally là nghi phạm bởi hắn không có động cơ. Khi Midred đến đồn, cô được thông báo là người chồng đầu tiên của mình - Bert Pierce (Bruce Bennett) - đã thú nhận việc gây án…

Hành trình của một người mẹ 

Dù mở đầu khá kịch tính, Mildred Pierce lại không thiên về hướng điều tra phá án. Thay vào đó, trọng tâm của tác phẩm là cuộc đời nhân vật chính, được cô kể lại theo mạch phim. Ngày trước, Mildred và Bert là đôi vợ chồng không hạnh phúc, nhất là khi anh gặp khó khăn trong kinh doanh và có người tình.

Sau khi họ chia tay, Mildred nuôi 2 con. Cô con gái 16 tuổi Veda mang đến nhiều phiền phức với tính tình ngang bướng, khao khát bước vào thế giới thượng lưu nhưng lại lười nhác. Cô coi thường mẹ mình, người phải bán bánh để trang trải cho gia đình. Để có thêm thu nhập, Mildred thậm chí phải làm bồi bàn - điều khiến Veda thêm phần chán ghét.

Tuy nhiên, với sự cần cù và nỗ lực, Mildred từ vị trí bồi bàn đã trở thành chủ chuỗi nhà hàng ở Nam California (Mỹ). Để thỏa giấc mơ thượng lưu của con gái, cô chấp nhận kết hôn với Monte Beragon - người đàn ông có địa vị nhưng đang thiếu tiền.

Mildred Pierce phải đi làm bồi bàn để trang trải cho gia đình

Mildred Pierce phải đi làm bồi bàn để trang trải cho gia đình. Ảnh: Internet

Dù vậy, sóng gió chưa buông tha Midred khi lối sống phung phí của Monte và Veda dần khiến cô lâm vào cảnh khánh kiệt. Vừa đau đầu trong chuyện làm ăn, Midred còn phải đối phó với 2 thành viên trong chính gia đình mình. Cô con gái thì bề ngoài làm hòa với mẹ nhưng thật ra chỉ muốn có nhiều tiền tiêu xài, còn người chồng thứ hai thì làm đủ chuyện mờ ám sau lưng cô.

Có nhiều thông điệp Mildred Pierce muốn gửi gắm cho người xem. Một ý tưởng trọng tâm của bộ phim là giấc mơ Mỹ sẽ đi kèm với cái giá phải trả. Trên con đường thăng tiến, Mildred đã phải hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống cá nhân, bao gồm chuyện tình cảm và quan hệ với con gái.

Tác phẩm cũng khắc họa những vấn đề xã hội Mỹ thời bấy giờ, bao gồm chuyện tầng lớp xã hội và giới tính - những thứ định hình cơ hội và bản sắc của con người. Mildred, một phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, phải đối mặt với vô số trở ngại và định kiến trong sự nghiệp. Trong khi đó, mong muốn giàu có và địa vị của Veda phản ánh giấc mơ thoát khỏi những hạn chế của xuất thân.

Tình mẫu tử thiêng liêng 

Nhưng vượt lên hết, bộ phim vẫn để lại ấn tượng mạnh ở mối quan hệ của Mildred và con gái. Ngay từ đầu phim, nhân vật chính đã được đặt vào một tình thế khó khi chia tay chồng và phải nuôi 2 con. Việc Kay (người con út) sớm qua đời càng khiến Mildred dồn tình thương cho Veda. Đó là động lực để cô nỗ lực trong công việc, từ bồi bàn trở thành chủ nhà hàng và mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho con mình.

Tình mẫu tử của Mildred được thể hiện rõ ràng trong suốt phim, theo đúng bản năng che chở và vị tha của người mẹ. Nhân vật chính được xây dựng với tâm lý phức tạp, pha trộn giữa những phẩm chất đáng ngưỡng mộ và thiếu sót. Tình thương con, sự cần cù và quyết tâm của cô là không phải bàn cãi. Thế nhưng, ở đôi chỗ, khán giả có thể thấy Mildred nuông chiều Veda thái quá và không đủ cứng rắn để dạy dỗ đứa trẻ ích kỷ này, dẫn đến một cao trào kịch tính.

Dù vậy, chính cách xây dựng đó đã mang lại tính thực tế và nhiều bài học mà người xem có thể rút ra. Bộ phim không đi theo lối mòn trong cách mô tả tình mẹ hay một cái kết quá viên mãn đến mức phi lý. Thay vào đó, đoạn cuối phim cho thấy cách các nhân vật, kể cả Mildred, phải đối mặt với những sai lầm của mình. Tình yêu thương trong gia đình có thể trở nên phức tạp và căng thẳng, đặc biệt khi nó được sàng lọc qua những kỳ vọng của văn hóa và xã hội.

Mildred Pierce là nhân vật thuộc hàng tượng đài của Hollywood về hình tượng người mẹ trên màn bạc. Bất chấp những sai sót về tính cách, đây vẫn là một nhân vật đại diện cho sự kiên cường của phái nữ, cũng như tình mẫu tử không vụ lợi đến tận những khoảnh khắc nguy nan nhất. 

Diễn xuất của Joan Crawford với vai Mildred Pierce được xem là dấu mốc vàng son trong sự nghiệp của cô và là một trong những màn trình diễn mang tính biểu tượng của lịch sử điện ảnh. Crawford thể hiện tròn trịa 2 khía cạnh của nhân vật: một người mẹ thương con và một phụ nữ đủ quyết tâm để vươn lên làm chủ. 

Joan Crawford (phải) và Ann Blyth (trái) trong phim

Joan Crawford (phải) và Ann Blyth (trái) trong phim. Ảnh: Internet

Ở nhiều phân đoạn, Joan Crawford thể hiện được sức mạnh và sự kiên cường của Mildred khi đối mặt vô số trở ngại: chồng cũ bỏ rơi, con gái ghét bỏ… hay định kiến của xã hội đối với phụ nữ thuộc tầng lớp lao động. Minh tinh cũng thành công khi khắc họa khía cạnh dễ bị tổn thương của nhân vật, đặc biệt là ở những cảnh với Veda. Suốt gần 2 giờ thời lượng, người xem thấy rõ tình yêu và sự tận tâm Mildred dành cho con gái, cũng như nỗi đau và sự thất vọng trước hành vi ngày càng ích kỷ và đi quá giới hạn của Veda.

Có một điều thú vị là cũng như Mildred Pierce, Joan Crawford là một phụ nữ mạnh mẽ và tự thân vận động trong sự nghiệp. Ngay khi hay tin về dự án, minh tinh đã tự mở chiến dịch vận động để được nhận vai chính. Joan Crawford nhận thấy tiềm năng trong vai diễn - một nhân vật đủ chiều sâu, có thể sẽ giúp bà ghi dấu ấn lớn trong sự nghiệp. Ban đầu, hãng phim và đạo diễn không muốn chọn Joan Crawford nhưng sự kiên quyết của minh tinh khiến họ xuôi lòng. Những gì sau đó là lịch sử, khi Joan đăng quang hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc ở Oscar năm 1946. 

Ngoài bản phim kinh điển năm 1945, tiểu thuyết Mildred Pierce còn được chuyển thể một lần nữa thành phim truyền hình vào năm 2011, với Kate Winslet đóng chính và quy tụ một số ngôi sao như Guy Pearce, Evan Rachel Wood và Melissa Leo. Tác phẩm này cũng nhận nhiều lời khen và giành không ít giải thưởng truyền hình. 

Theo Ân Nguyễn/PNO