Chủ nhật, 26/9/2021, 15h38

Mở cửa lại nền kinh tế cần lộ trình rõ ràng, hiệu quả

Chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM mong kế hoạch mở cửa nền kinh tế sớm được ban hành. Theo đó, để thuận lợi trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các đứt gãy, DN cho rằng chính sách đưa ra cần có lộ trình rõ ràng, minh bạch, tính thực thi hiệu quả và nhanh chóng.


Doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh tốt nếu chính sách tốt

DN trở lại sản xuất kinh doanh tốt nếu chính sách tốt

Nhiều DN lo ngại độ trễ trong mở cửa sẽ trễ ban hành chính sách khiến DN trở tay không kịp vì phải triển khai qua nhiều giai đoạn. Cạnh đó là tính khả thi của các chính sách. Chính sách đưa ra có thể hợp lý nhưng khả năng thực thi và hiệu quả lại rất chậm.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh ví dụ, hiện nay tính liên kết vùng không mở được thì DN không thể phục hồi sản xuất. Đơn cử, triển khai công trình xây dựng tại một số tỉnh miền Trung, miền Đông, miền Tây, Đồng bằng Sông Cửu Long đã cởi mở nhưng các DN, trong đó có Nhựa Bình Minh không thể vận chuyển vật tư đi được chỉ vì Sài Gòn vẫn siết chặt. Đến chỗ nào cũng khóa. 

Công ty CP Nhựa Bình Minh đang hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ. Tháng 7 duy trì được 50% hoạt động, tháng 8 còn 20%, tháng 9 quay lại được trên 50%. “Với đà này, nếu chính sách ngày càng tốt, mở hơn, hợp lý hơn thì khả năng DN trở lại sản xuất kinh doanh là khá tốt”, ông Ngân cho hay.

Điều khiến ông Ngân và nhiều DN khác lo ngại nữa là chúng ta còn khá lúng túng khi đưa ra định hướng sống chung với dịch Covid-19. Khi Chính phủ và TP.HCM vẫn còn định hướng mông lung thì DN rất khó thiết lập kế hoạch phục hồi sản xuất vì phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách chung. DN muốn tái lập hoạt động nhưng vận không chuyển được, không có logistics hoặc người lao động thì không thể làm được. “Chính sách nên rõ ràng về quá trình thực thi, làm sao tạo thuận lợi nhất cho các DN”, ông Ngân ý kiến.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho rằng, kế hoạch mở cửa nền kinh tế phải có lộ trình rõ ràng, minh bạch. Trong đó cần có các chính sách: hỗ trợ đưa người lao động từ TP.HCM về các tỉnh, thành hoặc ngược lại; thành lập tổ kiểm tra tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ DN; cơ chế công nhận kết quả test nhanh của DN để tránh việc phải xin đóng dấu của địa phương; bình ổn giá test nhanh vì hiện nay mỗi ngày một giá…

Ở góc độ khác, các DN mong tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính khi mở cửa nền kinh tế. Nếu giải quyết tốt thủ tục pháp lý sẽ khai thông dự án. Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Phúc Khang chia sẻ, mong muốn chung của DN là TP có chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư trong triển khai dự án, tránh ách tắc thủ tục hành chính. Trường hợp văn bản đã rõ thì nên để chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai dự án.

Một số DN khác cho rằng, Chính phủ, TP.HCM có chính sách cứu DN Việt Nam thì nên có cả chính sách giữ chân DN nước ngoài. Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Công ty CP Secoin cho biết: “Nếu DN nước ngoài rời Việt Nam sẽ kéo theo nhiều DN Việt trong chuỗi cung ứng bị sụp đổ. DN nước ngoài đầu tư công sức, tiền bạc vào thị trường Việt Nam, khi quyết định ở lại họ sẽ đồng lòng giúp DN Việt Nam”.

Mở cửa kinh tế vẫn phải tuân thủ quy định 5K

Lý giải vì sao TP.HCM không thể mở cửa thời gian qua, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho biết, căn cứ vào bộ tiêu chí của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì TP chưa đạt để mở cửa. Các tiêu chí Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra mới đây cũng dừng lại ở dự thảo và thay đổi liên tục. Điều này cho thấy không riêng TP mà cả nước đang lúng túng trong việc thích ứng với biến chủng Covid. Kể cả thế giới cũng phải thay đổi liên tục các kế hoạch, từ kế hoạch zero Covid, truy vết F1,… cho đến sống chung với Covid.

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ tử vong/ ca nhiễm trên thế giới là 2,1%. Tại Việt Nam là 2,5%, cao hơn bình quân của thế giới. Riêng TP lên đến trên 3,9%. Tỷ lệ này mới tính ở những người tử vong tại các tầng trong bệnh viện, chưa thống kê tại nhà và tầng 1.

Theo ông Ngân, TP đã xây dựng kế hoạch mở cửa kinh tế, ban hành chiều 24-9 nhưng mới dừng lại ở dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến các ngành, các cấp, DN để hoàn thiện hơn.

“Quan điểm nới lỏng giãn cách, mở cửa nền kinh tế của TP theo xu hướng tích cực của điều trị y tế. Tức là an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Hiện nay số ca nhiễm tại TP vẫn cao nhưng số tử vong giảm là nhờ độ phủ vắc xin với hơn 95% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, hơn 30% tiêm mũi 2. Đây là xu hướng tích cực nhưng TP vẫn phải thận trọng”.

“Mặt khác, các tầng điều trị 2, 3 đang có sự hỗ trợ của lực lượng y tế Trung ương, quân đội nhưng lực lượng này sẽ rút về khi TP ổn định, đòi hỏi TP phải đảm đương được nhiệm vụ. Đây là câu trả lời vì sao TP chưa dám mở cửa vì năng lực y tế của chúng ta còn rất vất vả. TP phải có giải pháp, bước đi hài hòa”.

Điều DN mong đợi nhất là mọi quan điểm mở cửa phải xuyên suốt. Không thể mở rồi đóng, đóng rồi mở. Tuy nhiên, ông Ngân nhìn nhận vấn đề này thực sự lúng túng.  Muốn làm được thì năng lực kinh tế phải cao, ý thức người dân phải đảm bảo thích nghi các điều kiện.

Những ngày qua, dù chưa đạt được các tiêu chí nhưng TP vẫn quyết định xin phép thí điểm nới lỏng một số hoạt động sản xuất tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi từ ngày 16 đến 30-9. Đây là cơ sở để đánh giá, phục vụ xây dựng kế hoạch từ ngày 1-10 sẽ thế nào. Tuy nhiên, sắp tới những bước đi của TP phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo trên cơ sở an toàn.

Hiện TP đang vướng khó khăn tại dự thảo Hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra. Dự thảo nêu ra 5 tiêu chí các địa phương phải đạt mới được nới lỏng giãn cách thì TP không đạt tiêu chí “ít nhất 80% người trên 50 tuổi trở lên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin”.

Để sớm nới lỏng giãn cách, mở cửa được nền kinh tế, TP đang kiến nghị Trung ương quan tâm ưu tiên vắc xin để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của Hướng dẫn. Ngoài ra, TP là đô thị đặc biệt thì cần có bộ tiêu chí riêng.

“Quan điểm của TP hiện vẫn theo định hướng, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Xu hướng dự thảo mở cửa kinh tế của TP sẽ tăng tính tự chủ của DN và người dân, trong đó phải tuân thủ quy định 5K”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.

N.Trinh