Thứ hai, 22/6/2020, 15h23

Mỗi bài viết là một kỷ niệm với nghề

Với người làm báo không gì vui hơn khi bài viết của mình được đăng tải, được độc giả đón nhận. Hơn 1 năm làm báo - thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để tôi trải lòng về nghề.

Tác gi đang tác nghip ti Đưng sách TP.HCM

Tôi nhớ bài báo đầu tiên của tôi là bài “Nơi góc phố Sài Gòn” - viết về anh đánh giày lâu năm ở Sài Gòn. Lúc được giao đi viết đề tài này tôi mừng lắm. Tôi hào hứng vác ba lô lên và đi làm nhiệm vụ. Lần đó tôi gặp anh đánh giày đang trên đường Mạc Đĩnh Chi, tôi mừng quá chạy tới gặp anh và nói bằng giọng miền Tây đặc sệt: “Em chào anh! Em biết anh là người đánh giày lâu năm ở Sài Gòn nên em muốn “giết” anh để đăng báo (thay vì “viết” mà tôi phát âm thành “giết”). Anh đánh giày nghe hiểu nhầm nên có vẻ hơi sợ. Anh nhẹ nhàng đáp: “Anh làm ăn lương thiện mà sao em đòi giết anh?”. Khi nghe tôi nói thêm: “Anh có thể cho em xin chút thời gian để phỏng vấn được không ạ?”. Lúc này anh đánh giày mới hiểu và cười: “À thì ra em định phỏng vấn viết báo à. Vậy mà em làm anh hết hồn”. Sau 3 ngày, tôi đã hoàn thành đề tài và nộp bài cho Trưởng ban. Biên tập bài của tôi xong, Trưởng ban gửi bài lại cho tôi so sánh với sản phẩm đầu tiên của mình có kèm theo dòng chữ: “Anh biên tập bài em cả buổi sáng. Em đọc bài đã biên tập để rút kinh nghiệm cho lần sau nhé!”. Tôi phản hồi lại và hứa sẽ học hỏi nhiều hơn nữa để viết bài tốt hơn.

Sau nhiều bài viết cho mảng xã hội, tôi được giao đi viết chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do báo tổ chức. Được đi đến trường học, được tiếp cận với thầy cô, học sinh tôi cảm nhận được một niềm vui lạ thường. Tại đây tôi bắt đầu phát hiện ra nhiều tấm gương vượt khó học giỏi và tôi lại có thêm đề tài mới để viết. Có lần tôi viết bài “Cậu học trò nghèo và căn nhà mơ ước”, viết về em Phạm Thế Minh (học sinh Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM). Em này có gia cảnh rất khó khăn, mẹ bị tai biến liệt nửa người, đứa em duy nhất mắc bệnh Down, còn cha chạy xe ôm. Dù kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng em luôn cố gắng vươn lên và học rất giỏi. Sau khi bài viết được đăng vài ngày, thầy chủ nhiệm của Minh nhắn tin cho tôi: Cảm ơn em! Nhờ bài báo của em mà Minh được một chương trình khuyến học khuyến tài biết tới và tặng suất học bổng 20 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình em ấy”. Không lâu sau, mẹ Minh cũng gọi điện cảm ơn tôi và hứa dù hoàn cảnh có khó khăn cỡ nào cũng ráng cho Minh ăn học thành tài. Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng vì không ngờ bài viết của tôi đã giúp ích được cho một học sinh nghèo. Thế là mỗi lần được Ban Biên tập giao đi viết bài về chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tôi tranh thủ tìm những em học sinh nghèo học giỏi viết bài với hy vọng giúp các em được những mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ. Nhờ làm báo, tôi thấy mình tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, đặc biệt là có được nhiều mối quan hệ hơn. Nếu những ngày đầu tôi thấy mình lạc lõng, cô đơn mỗi khi đi tác nghiệp thì bây giờ tôi đã có bạn bè là đồng nghiệp của những báo khác đồng hành, hỗ trợ. Tôi nhớ có lần tôi đi dự một sự kiện lớn của TP. Trong lúc lãnh đạo phát biểu, rất nhiều phóng viên, nhà báo, quay phim chạy tới tìm cho mình một vị trí ưng ý nhất để chụp ảnh. Tôi chậm một bước, cộng thêm thân hình nhỏ bé nên đành đứng phía sau nhưng không thể đưa cao máy ảnh chụp khoảnh khắc đó. Thấy tôi đang loay hoay, mấy anh, chị phóng viên cao, to nhường chỗ cho tôi đứng phía trước để chụp được ảnh. Bây giờ mỗi lần gặp lại những anh, chị đó tôi đều chào hỏi, bắt chuyện. Vì vậy mà công việc của tôi cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. 

Tôi cảm thấy rất vui vì tôi có một môi trường làm việc năng động, được nhiều người yêu thương, giúp đỡ. Với tôi nghề báo là một nghề cao quý. Dù tôi viết chưa xuất sắc lắm, chưa có bài báo đánh động dư luận như những anh chị nhà báo lâu năm nhưng tôi vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi từng ngày để ngòi bút của mình khách quan và sắc bén hơn.

Phóng viên Hồ Trinh