Thứ bảy, 24/11/2018, 14h50

Mỗi năm có 100.000 người tử vong do đột quỵ

BV Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tổ chức Hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị đột quỵ”.

Tại đây, TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 - cho hay, tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ là chứng bệnh vô cùng nguy hiểm và đến bất ngờ khiến người bệnh có thể tử vong nếu không biết cách cấp cứu kịp thời. Chỉ riêng từ tháng 2-2017 đến tháng 2-2018, BV Nhân dân 115 đã tiếp nhận hơn 2.500 ca đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó 50% tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, những người xung quanh người bệnh thường lúng túng, bấn loạn không biết cách xử lý. Thực tế, các trường hợp tử vong đã xảy ra do sự sơ suất và không biết cách xử lý của người thân.

BS Thắng chia sẻ thêm, 5 năm gần đây, điều trị đột quỵ đã có những bước tiến rõ rệt. Nếu cách đây 20 năm đã có cửa sổ điều trị vàng 3 giờ đầu với chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch thì đến năm 2015 đã có chứng cứ mở rộng thời gian vàng từ 0 lên đến 6 giờ đầu. Năm 2017, chứng cứ mới nhất tiếp tục mở rộng thời gian vàng từ 6 đến 24 giờ với bệnh nhân có chỉ định lấy huyết khối bằng dụng cụ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ.

“Các dấu hiệu của đột quỵ hiện nay thường là bệnh nhân đột ngột bị liệt mặt, yếu tay chân cùng bên, có rối loạn ngôn ngữ, 3 triệu chứng này xảy ra trên 95% bệnh nhân đột quỵ. Chúng tôi thường khuyên thân nhân người bệnh không nên làm gì, không tác động lên bệnh nhân, ngay lập tức đưa bệnh nhân đến BV gần nhất có chuyên khoa điều đột quỵ để được các BS hội chẩn, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng không đáng có…”, BS Thắng nhấn mạnh.

H.Thương