Thứ năm, 20/2/2020, 21h27

Môn văn và việc giáo dục lối sống cho học sinh

Giáo viên hưng dn hc sinh chn sách đc ti thư vin trưng. Ảnh: V.Yến

“Văn học là nhân học”, những nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đều có thể dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm văn học. Việc lồng ghép các nội dung này trong quá trình giảng dạy môn văn hoàn toàn thuận lợi, đồng thời mang lại hiệu quả cao. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý ngành giáo dục cần quan tâm đến dạy người, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện nay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ từng thầy cô, cán bộ giáo dục; đổi mới phải lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến việc dạy làm người.

Quan điểm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thực tế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và nhắc đến từ lâu. Và “5 điều Bác Hồ dạy” thiếu niên, nhi đồng chính là những lời dặn giản dị của Bác. Thật vậy, những nội dung trong “5 điều Bác Hồ dạy” như: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, đều có thể dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm văn học. Thế nên, việc lồng ghép các nội dung này trong quá trình giảng dạy môn văn hoàn toàn thuận lợi, đồng thời mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, khi giảng dạy các bài học: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng, bánh dầy, Thánh Gióng, Sông nước Cà Mau, Đêm nay Bác không ngủ, Bài ca Côn Sơn, Đại cáo Bình Ngô, Qua đèo Ngang, Nhớ rừng, Đồng chí…, giáo viên có thể mở rộng nội dung bài học, liên hệ đến tình yêu quê hương đất nước, tình cảm đối với đồng bào ruột thịt Nam - Bắc một nhà. Hay khi muốn lồng ghép nội dung “học tập tốt, lao động tốt”, chúng ta có thể tiến hành triển khai trong các bài học: Đoàn thuyền đánh cá, Ca Huế trên sông Hương, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Người lái đò sông Đà… Đối với những tác phẩm mang tính châm biếm, trào phúng xã hội như đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), hoặc Hồn Trương Ba - da Hàng thịt (Lưu Quang Vũ), giáo viên cũng sẽ rất thuận lợi để nhấn mạnh đến những ý nghĩa tích cực của lối sống văn hóa, văn minh, sao cho xứng đáng với lời dặn của Bác Hồ: “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Có thể nói, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ là việc làm cần thiết mà xa hơn, còn là trách nhiệm của giáo viên. Đặc biệt, với môn văn, vốn có nhiều thuận lợi trong quá trình liên hệ thực tế, lại càng cần được phát huy trong giảng dạy. Tin rằng, thông qua những giờ học môn văn, với những bài học cụ thể, học sinh không chỉ lĩnh hội được kiến thức văn học mà còn dễ dàng tiếp nhận, tiếp cận các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống, từ đó có được ý thức và xây dựng, rèn luyện thói quen cuộc sống tích cực.

Trần Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)