Thứ hai, 21/1/2019, 15h22

Mùa xuân & Chương trình giáo dục phổ thông mới!

Trong tiết trời cuối năm Mậu Tuất 2018 chuẩn bị đón xuân mới Kỷ Hợi 2019, ngày 27-12 Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố chương trình phổ thông mới cho năm 2020 và những năm tiếp theo là một sự kiện của ngành có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của thầy cô giáo và nhà trường vào dịp Tết đến, xuân sang.

Tết đến, xuân sang là sự bắt đầu một năm mới. Theo quy luật tự nhiên, mùa xuân là thời khắc cho vạn vật phát triển tươi tốt, là thời gian để mọi vẻ đẹp lên ngôi, là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác phẩm có giá trị kiến tạo và vun đắp biết bao tình cảm yêu thương với sức sống mãnh liệt của con người trong cuộc sống.

Hòa trong không khí đón xuân của vạn vật, tôi nghĩ về chương trình giáo dục phổ thông mới như một khởi đầu cho sự nảy lộc đâm chồi của những nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và các em học sinh cho một chiến lược giáo dục mới, bỏ lại sau lưng những quan hệ giáo dục xưa cũ, lạc hậu với xu thế phát triển, để hội nhập quốc tế sánh vai với các nước phát triển đem lại cho thế hệ trẻ nước nhà nền giáo dục tiến bộ.

Giáo dục đào tạo nước ta đã có thời kỳ vàng son, góp sức mình vào việc đào tạo nguồn nhân lực trong kháng chiến giành độc lập; trong thời bình chúng ta đã phát triển vượt bậc, mở rộng quy mô và nâng cao dân trí, phổ cập giáo dục các cấp. Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, đất nước phát triển, đòi hỏi nhà trường phải đào tạo những thế hệ tài năng, phát huy tốt nhất năng lực thông minh, khéo léo vốn có của dân tộc để có thể sánh vai được với tuổi trẻ các nước trong các lĩnh vực của cuộc sống khi mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, biên giới cục bộ không còn, sự chủ động sáng tạo tự tin, năng lực nắm vững khoa học công nghệ của thời đại, năng lực giao tiếp, sự nhanh nhạy và khả năng xử lý công việc… là những phẩm chất vô cùng cần thiết trong xã hội ngày nay.

Sự đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục đã được phát động gần 10 năm qua là sự đổi mới mang tính lịch sử để đáp ứng yêu cầu nêu trên, lấy mục tiêu đào tạo con người năng lực thay cho con người khoa bảng, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của đội ngũ sư phạm trong nhà trường và trong xã hội. Nhưng chỉ khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, từ chương trình tổng thể đến các chương trình bộ môn, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện mới chính thức đi vào chiều sâu, làm thay đổi diện mạo và bản chất nhà trường, nếu toàn ngành và toàn xã hội đồng thuận thực thi từ nhận thức đến hành động.

Ở nước ta sự nghiệp giáo dục đã hơn 3 lần cải cách, lần thay sách giáo khoa gần nhất là năm 2000 với Nghị quyết 40/2000/ QH10 của Quốc hội, nhưng sự thay sách giáo khoa lần này với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần NQ29TW8 khóa XI sẽ khác hẳn với những lần cải cách, đổi mới trước đây. Triết lý giáo dục của chúng ta một thời đã nói nhiều đến con người, giáo dục là khai phóng làm cho con người phát triển, sự phát triển càng có giá trị khi có được sự tự thân của người học thay cho sự áp đặt của người dạy. Chính sự tự thân giá trị thật mới được phát huy, sự tự tin, sáng tạo và lòng yêu thương cuộc sống phát triển. Sự tự thân của học sinh chỉ có thể có được khi thầy cô giáo hiểu rõ được thiên chức của mình, chủ động, tự tin, cảm nhận được học sinh và sáng tạo trong tổ chức dạy và học của mình. Và, sự chủ động, tự tin và sáng tạo của thầy cô giáo chỉ có thể có được khi có một cơ chế quản lý phù hợp, ở đó người cán bộ quản lý giữ một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống quản lý vốn có đang rất chậm đổi mới hiện nay.

Sự am hiểu ý nghĩa của công cuộc đổi mới, tích cực và tâm huyết của nhà quản lý; sự chủ động, tự tin và sáng tạo của thầy cô giáo để học sinh phát huy trí tuệ và cảm xúc thật của mình trong quá trình học tập là những chồi non, lộc biếc của vườn xuân khi mà Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành.

Mùa xuân Kỷ Hợi 2019 mang đến một sắc xuân đặc biệt cho các nhà sư phạm và nhà trường là vậy!

TS. Hunh Công Minh