Thứ ba, 4/8/2020, 10h18

Mỹ bắt đầu thảo luận ai sẽ được tiêm vaccine COVID-19 trước

Ai là người được tiêm vaccine COVID-19 trước đang làm nóng các cuộc thảo luận ở Mỹ.
Thế giới đang chạy đua để bào chế vaccine COVID-19.
Ai tiêm trước: Quyết định khó khăn
Cơ quan y tế Mỹ hy vọng vào cuối tháng tới sẽ có một số dự thảo hướng dẫn về cách phân phối vaccine COVID-19 liều ban đầu, nhưng đó là một quyết định khó khăn.
"Không phải ai cũng sẽ thích câu trả lời. Sẽ có nhiều người cảm thấy rằng họ đáng lẽ phải đứng đầu danh sách” - tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia, nói với một trong những nhóm cố vấn mà chính phủ yêu cầu giúp đưa ra quyết định.
Theo truyền thống, những người đầu tiên được tiêm vaccine là nhân viên y tế và những người dễ bị nhiễm bệnh nhất. Nhưng ông Collins đã đưa ra những ý tưởng mới: Hãy xem xét về mặt địa lý và ưu tiên cho những người ở những nơi dịch bệnh đang tấn công mạnh nhất. Và đừng quên các tình nguyện viên trong giai đoạn thử nghiệm vaccine cuối cùng.
Hàng chục nghìn tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm để chứng minh loại vaccine COVID-19 nào là an toàn và hiệu quả. Hãng Moderna và Pfizer tuần trước đã bắt đầu thử nghiệm với 30.000 tình nguyện viên mỗi hãng. Trong vài tới, số lượng tình nguyện viên khổng lồ sẽ thử các ứng viên vaccine của AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
Ngay cả khi vaccine được tuyên bố là an toàn và hiệu quả vào cuối năm, nó cũng sẽ không đủ cho tất cả những ai muốn sử dụng ngay - nhất là khi hầu hết các vaccine tiềm năng đều cần hai liều dùng.
Đây là một vấn đề nan giải trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới đang vật lộn với câu hỏi tương tự ai sẽ là người đầu tiên được dùng vaccine, trong khi phải cố gắng đảm bảo vaccine được phân phối công bằng cho các nước nghèo.
Tại Mỹ, Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) - một nhóm được thành lập bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) - sẽ đưa ra khuyến nghị ai và khi nào cần tiêm vaccine - khuyến nghị mà chính phủ hầu như luôn tuân theo.
Nhưng rất khó để đưa ra quyết định về vaccine COVID-19 vì các nhà đạo đức và chuyên gia vaccine của Học viện Y khoa Quốc gia - được Quốc hội thuê để tư vấn cho chính phủ - cũng được yêu cầu cân nhắc.
Thiết lập các ưu tiên sẽ đòi hỏi sự “sáng tạo và ý thức đạo đức chung" - AP dẫn lời giáo sư bác sĩ Bill Foege, người sáng tạo hệ thống giám sát và ngăn chặn bệnh đậu mùa, bao gồm việc tiêm chủng, để loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này trên toàn cầu. Ông Foege - đang đồng dẫn đầu các cuộc thảo luận của Học viện Y khoa Quốc gia - gọi đó là “vừa là cơ hội vừa là gánh nặng”.
Khuyến nghị của CDC
Với thông tin sai lệch về vaccine rất nhiều và lo ngại rằng yếu tố chính trị có thể xâm nhập, Giám đốc CDC Robert Redfield nói rằng, công chúng phải xem việc phân bổ vaccine là “công bằng, minh bạch và hợp tình hợp lý”.
Gợi ý mở đầu của CDC: Trước hết tiêm phòng cho 12 triệu nhân viên y tế có nguy cơ nhất, nhân viên an ninh quốc gia và những người lao động thiết yếu khác.
Tiếp theo sẽ là 110 triệu người có nguy cơ cao mắc COVID-19 - những người trên 65 tuổi sống trong các nhà dưỡng lão, hoặc những người ở bất kỳ độ tuổi nào có sức khỏe kém - hoặc cũng được coi là những người lao động thiết yếu. Sau đó mới đến những người dân khác.
Các cố vấn vaccine của CDC muốn biết ai thực sự cần thiết. "Tôi sẽ không coi mình là một nhân viên chăm sóc y tế có nguy cơ cao“ - Peter Szilagyi, bác sĩ nhi khoa tại Đại học California, Los Angeles, thừa nhận.
Thật vậy, những rủi ro cho nhân viên y tế ngày nay khác xa so với những ngày đầu của đại dịch. Hiện tại, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 thường được bảo vệ tốt nhất; những người khác có thể có nguy cơ cao hơn - các thành viên ủy ban lưu ý.
Ngoài các lĩnh vực y tế và an ninh, lao động “thiết yếu" có nghĩa là công nhân nhà máy gia cầm hoặc giáo viên? Và điều gì xảy ra nếu vaccine không có hiệu quả trong số những người dễ bị tổn thương như những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn? 
Với dân số da đen, người Mỹ gốc Latin và người Mỹ bản địa, cũng phải có chính sách phù hợp. “Không giải quyết được điều này thì bất cứ khuyến nghị nào của chúng tôi cũng sẽ bị coi là rất đáng ngờ” - Chủ tịch ACIP, tiến sĩ Jose Romero, nói.
Tiến sĩ Sharon Frey của Đại học St. Louis nói thêm, cần xem xét tới cả những người nghèo ở thành thị sống trong điều kiện đông đúc, ít tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và không thể làm việc tại nhà như những người Mỹ đặc quyền hơn.
Và có nên tiêm phòng vaccine COVID-19 cho cả gia đình thay vì cố gắng chỉ chọn một người có nguy cơ cao - tiến sĩ Henry Bernstein của Northwell Health đặt câu hỏi.
SONG MINH (theo laodong)