Thứ bảy, 20/2/2021, 10h39

Mỹ chính thức quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris

Mỹ chính thức quay trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris vào ngày 19.2, trong đó Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ đặt cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu là một ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ đặt cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu là một ưu tiên hàng đầu.
Một tháng sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nền kinh tế lớn nhất thế giới và phát thải carbon lớn thứ 2 thế giới đã chính thức trở lại thỏa thuận toàn cầu năm 2015 nhằm ứng phó với vấn đề trái đất nóng lên, AFP đưa tin.
Việc Mỹ tái gia nhập thỏa thuận Paris về khí hậu được ông Joe Biden đề cập trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó tổng thống Mỹ kêu gọi các nước Châu Âu tăng gấp đôi cam kết chống biến đổi khí hậu.
"Chúng ta không còn có thể trì hoãn hoặc làm ở mức tối thiểu để giải quyết biến đổi khí hậu. Đây là một cuộc khủng hoảng hiện hữu toàn cầu. Tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả" - ông Joe Biden nói.
Trong tuyên bố về sự trở lại của Mỹ với thỏa thuận khí hậu Paris, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng "biến đổi khí hậu và ngoại giao khoa học không bao giờ còn là phần mở rộng trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của chúng ta".
"Giải quyết các mối đe dọa thực sự từ biến đổi khí hậu và lắng nghe các nhà khoa học của chúng ta là trọng tâm trong các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi.
Đây là điều quan trọng trong các cuộc thảo luận của chúng tôi về an ninh quốc gia, các nỗ lực y tế quốc tế và trong các cuộc đàm phán ngoại giao kinh tế và thương mại của chúng tôi" - ông Blinken nói thêm.
Ca ngợi thỏa thuận Paris do cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, chính sách ngoại giao khí hậu sắp tới sẽ rất quan trọng.
Ông Biden lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 22.4, trùng với Ngày Trái đất.
Ông Joe Biden đã tuyên bố sẽ làm cho ngành điện của Mỹ không có ô nhiễm vào năm 2035 và tiến tới một nền kinh tế hoàn toàn không phát thải vào năm 2050.
Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực giảm xuống 1,5 độ C.
Động lực chính trị đang gia tăng trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại lớn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong thế kỷ này, có 480.000 người đã chết do các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết khắc nghiệt.
THANH HÀ (theo laodong)