Thứ sáu, 24/9/2021, 20h13

“Nam châm” hút học sinh trong giờ học trực tuyến

Không xuề xoà, mỗi giờ “lên lớp tại nhà” dạy trực tuyến được nhiều giáo viên đầu tư, chỉn chu từ tác phong đến phương pháp, giáo án. Cùng sự linh động, sáng tạo, làm chủ công nghệ của giáo viên khi daỵ trực tuyến đã trở thành “nam châm” hút học sinh trong giờ học.


Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ trong một giờ dạy trực tuyến

Chỉn chu hơn dạy... trực tiếp

“Các em nhìn thẳng lên bảng nhé, chúng ta cùng ôn lại kiến thức về điện học...”, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ (giáo viên môn vật lý, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) vừa nói vừa chỉ vào sơ đồ mạch điện trên tấm bảng nhỏ.

Gần 3 tuần kể từ khi năm học mới bắt đầu theo cách thức chưa từng có, cùng các ứng dụng dạy học internet, mỗi tiết học trực tuyến tại nhà của thầy Vũ vẫn gắn với bảng đen, phấn trắng. “Viết bảng và nhìn thẳng vào camera nói chuyện với học sinh sẽ tạo cảm giác sinh động hệt như đang dạy trực tiếp trên lớp, học sinh cũng dễ tiếp thu hơn”, kinh nghiệm này được thầy Vũ “đúc rút” từ thời gian dạy trực tuyến trong năm học trước.

“Nhiều giáo viên có thói quen nhìn vào màn hình khi dạy trực tuyến xem học sinh có đang nhìn mình hay không. Điều này là không nên, vì học sinh sẽ không thấy giáo viên đang tương tác. Hãy nhìn thẳng vào camera”, thầy Vũ chia sẻ.

Giáo viên này cho rằng, để một tiết học trực tuyến đạt hiệu quả, quan trọng thầy cô phải bám vào tâm lý học sinh khi thiết kế các hoạt động giảng dạy. Nếu chỉ đơn giản là sử dụng powerpoint trình chiếu thì rất nhàm chán. Ngược lại, nếu giáo viên tận dụng được các tính năng công nghệ thì tiết học trực tuyến thậm chí còn sinh động hơn trực tiếp.

Mỗi tiết học trực tuyến, cùng công cụ truyền thống là phấn trắng, bảng đen, giáo án giảng dạy của thầy Vũ luôn xuất hiện thêm các ứng dụng phần mềm trò chơi, kiểm tra kiến thức..., giúp thay đổi không khí lớp học. Với các kiến thức liên quan đến thí nghiệm, tiết học trực tuyến sẽ có thêm phần mềm 3D mô phỏng, “ngồi trước màn hình nhưng các em sẽ có trải nghiệm y như đang thực hiện cùng thầy trên lớp”, thầy Vũ nói.

Ngoài ra, giáo viên này cũng sử dụng thêm tính năng ghi màn hình của windows, ghi hinh mỗi tiết học, học sinh dễ dàng xem lại bài giảng ngay cả khi các em vắng mặt hoặc đường truyền học trực tuyến không ổn định.  

Để không bị động trong các tiết dạy trực tuyến, theo thầy Vũ, mỗi giáo viên phải bỏ túi nhiều ứng dụng công nghệ, chịu khó mày mò các tính năng của ứng dụng. Như thế, có thể xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình dạy học, học sinh khó ở đâu giáo viên sẽ “gỡ” ở đó.

“Một tiết học trực tuyến thầy trò chỉ tương tác nhau qua màn hình, giáo viên sẽ không thể kiểm soát được phía bên kia màn hình học sinh có đang... học hay không. Chỉ khi “làm mới” mình, làm mới tiết dạy, đơn giản sinh động hoá trong cách truyền đạt thì mới có thể hút các em vào trong bài giảng”, thầy Vũ chia sẻ.

Mỗi tiết dạy trực tuyến tại nhà, cô Phạm Phương Thuý (giáo viên lớp 2, một trường tiểu học Q.6) vẫn lên lớp với áo dài, trang điểm nhẹ nhàng.

“Buổi đầu tiên nhận lớp, thấy cô mặc áo dài, bé nào cũng thích, phụ huynh cũng ấn tượng, không khí làm quen và các tiết học sau vì thế mà vô cùng sôi nổi”, cô Thuý kể.

Theo cô Thuý, học sinh tiểu học luôn lấy giáo viên làm hình mẫu. Dạy trực tuyến tại nhà, để “kéo các em vào lớp” thì giáo viên càng không thể xuề xoà trong cách ăn mặc, nhất là lời ăn tiếng nói với học sinh. Muốn học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi có tính kỷ luật thì trước hết bản thân giáo viên phải kỷ luật cao.

Cùng với giáo án sinh động, việc giáo viên chỉn chu, vào lớp đúng giờ, ăn mặc gọn gàng, mềm mỏng trong bài giảng... cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giờ học trực tuyến.

“Có khi đang say sưa giảng, học sinh bỗng bật mic nói “cô ơi bao giờ cô mới dạy xong”. Thay vì khó chịu, tôi cho rằng lúc này không khí lớp học cần phải thay đổi để học sinh sôi nổi hơn. Giáo án dạy trực tuyến khác trực tiếp có khi chỉ đơn giản vậy...”, cô Thuý nói.

“Giải cứu công nghệ” cho giáo viên

Năm học 2021-2022, TP.HCM xác định dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà là xu hướng dạy học phù hợp trước thách thức của dịch bệnh.

Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, ngoài sự chủ động của mỗi giáo viên, các nhà trường đã xây dựng nhiều giải pháp “giải cứu công nghệ” cho thầy cô.

“Rào cản hiện nay khi dạy trực tuyến là tâm lý giáo viên ngại thay đổi, còn rập khuôn máy móc phương pháp dạy trực tiếp vào tiết học trực tuyến. Điều này không chỉ khiến giáo viên bị động khi có tình huống phát sinh mà nguy hiểm hơn là khiến học sinh... sợ học trực tuyến”, cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ) nhìn nhận.

Trước thách thức của năm học đặc biệt, “Group Giải cứu công nghệ” Trường THPT Nguyễn Công Trứ đã ra đời. Từ group này, các buổi tập huấn về công nghệ đã được tổ chức, liên tục gỡ khó cho giáo viên, học sinh về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình học.

Đặc biệt, nhà trường còn “đặt hàng” những giáo viên trẻ trong cộng đồng giáo viên sáng tạo, chia sẻ về đổi mới phương pháp lên lớp, tăng tính tương tác, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học trực tuyến.

“Rất nhiều vấn đề khó của giáo viên đã được gỡ ngay lập tức, như: khi dạy văn trực tuyến thì dùng ứng dụng nào để tiết học không nhàm chán, sử dụng ứng dụng bổ trợ ra sao để học sinh tương tác cao... Giáo viên phải thành thạo ít nhất một ứng dụng, giải pháp dự trù để chủ động trong các tình huống phát sinh như rớt, lỗi mạng. Sự chuyên nghiệp của giáo viên sẽ thay đổi cách nhìn của học sinh, phụ huynh về học trực tuyến...”, cô Thắm nói.


Giáo viên dạy môn quốc phòng, Trường THPT Nguyễn Công Trứ trong một giờ lên lớp trực tuyến

Đánh giá khả năng làm chủ công nghệ của giáo viên là yếu tố quan trọng giúp tiết học trực tuyến trở nên sinh động, Trường THPT Trần Hữu Trang đã “trao quyền” cho giáo viên linh động với nhiều phần mềm, ứng dụng khi tổ chức tiết học trực tuyến.

“Sử dụng phần mềm nào giáo viên phải “quen tay” với phần mềm đó để dễ dàng hướng dẫn học sinh. Giáo án dạy trực tuyến không thể cứng nhắc mà cần linh hoạt, phù hợp theo từng bài, thậm chí từng tình huống”, thầy Võ Thiện Cang (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay.

Cái khó khi dạy trực tuyến, theo thầy Cang là khả năng tương tác, quan sát của thầy, trò bị giảm. Điều này có thể sẽ “kéo giảm” hiệu quả của tiết học. Việc giáo viên chỉn chu, làm chủ công nghệ, thiết kế bài giảng hài hoà sẽ là “nam châm” hút học sinh lại phía mình. “Tuy nhiến, nếu quá lạm dụng công nghệ thì nhiều khi lại đẩy học sinh ra xa...”.

Yến Hoa