Thứ ba, 27/7/2021, 09h20

"Nắp biển": Một ngày hè tươi sáng hơn

"Nắp biển" - tác phẩm của nhà văn Nhật Bản Banana Yoshimoto - mở đầu bằng một cuộc hồi hương bất chợt.

Mari, một cựu sinh viên ngành mỹ thuật, quyết định trở về quê hương - một thị trấn nhỏ ven biển đang dần suy tàn khi cơn sốt du lịch qua đi, để thực hiện ước mơ mở cửa tiệm đá bào. Ở đó, cô không ngừng hồi tưởng lại những năm tháng hoàng kim của nơi này, đồng thời nung nấu làm được một điều gì đó thay đổi thực tại.

Trên hành trình của mình, Mari gặp Hajime - con của một người quen - khi cô bé đến thị trấn nghỉ hè. Ít ai biết rằng, đằng sau vết sẹo bỏng trên mặt, Hajime còn có một vết thương đang sưng tấy trong tâm hồn, khi vừa phải chứng kiến những người họ hàng tranh giành gia sản sau cái chết của bà mình. Cứ thế, hai tâm hồn nhiều tổn thương, vừa mong manh vừa quả cảm tìm đến nhau, ủi an và vỗ về nhau đi qua những năm tháng khó nhọc. 

Nắp biển là câu chuyện về hành trình tìm kiếm tự do bằng cách chấp nhận thực tại và chữa lành tâm hồn. Trong mùa hè rực rỡ ấy, Mari và Hajime hòa mình vào thiên nhiên - bờ biển vắng lặng, những rặng cây tỳ bà xanh thẫm, những đàn cá tung tăng bơi lội - để xoa dịu nỗi đau, học cách thứ tha cho cuộc đời và hàn gắn những vết nứt sâu thẳm bên trong. Nữ văn sĩ Banana Yoshimoto miêu tả hành trình chữa lành ấy bằng một thứ văn phong dịu dàng, điềm đạm và đầy nữ tính, xen lẫn với những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở vùng nông thôn nước Nhật - một vẻ đẹp trong trẻo, nguyên sơ và thuần khiết, tách biệt khỏi đô thành nhộn nhịp. 

Tác phẩm Nắp biển

Nhờ có thiên nhiên và có nhau, nỗi cô đơn của Mari và nỗi đau của Hajime cứ thế trôi theo dòng nước. Họ đã thực sự trưởng thành để học cách sống chung với nỗi đau. Nắp biển cũng cho ta niềm tin rằng cuộc đời đáng thất vọng nhưng cũng luôn đáng để hy vọng, chừng nào con người vẫn còn tin tưởng và bao dung với chính mình, với đồng loại. 

Tinh thần tự do còn được lột tả khi con người rũ bỏ những gánh nặng vật chất để sống trọn vẹn hơn. Dù cần tiền để sống, Mari và Hajime vẫn không chấp nhận thỏa hiệp với lòng tham và lối sống thực dụng, không chấp nhận để đồng tiền tước đoạt những niềm vui bé nhỏ mỗi ngày. Từ đó, họ được trở về với giá trị nguyên bản nhất: Tình yêu. Mari đã nói rằng: “Những nơi được in dấu bởi tình yêu nhỏ bé, ngày nào đó sẽ trở thành con đường nở đầy hoa”. Một thế giới dẫu đủ đầy về vật chất cũng không thể nào đáng sống nếu thiếu tình yêu. Và chính tình yêu, chứ không phải tiền, mới làm nên giá trị đúng đắn của cuộc sống.

Tình yêu cho ta động lực để cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, đồng thời trân quý những điều đẹp đẽ mà mong manh trong đời. Trong Nắp biển, cửa tiệm đá bào nhỏ xinh chính là tình yêu thuần khiết mà Mari dành tặng thị trấn, không chỉ với món đá bào làm từ những trái quýt địa phương căng mọng, mà còn là sự mộc mạc, tươi mới khiến cuộc sống bớt ảm đạm. Dẫu chẳng đủ sức thay đổi thế giới hay vực dậy thị trấn điêu tàn, đó vẫn là một nỗ lực đáng trân trọng để lưu giữ những cái đẹp chưa kịp phôi pha. 

Theo Minh Trang/PNO