Thứ ba, 11/9/2018, 20h28

Nên dùng từ “thập niên”, không dùng “thập kỷ”

Hiện nay, nhiều tờ báo, tạp chí, người dẫn chương trình (MC) của các đài truyền hình và trong các hội nghị, hội thảo, cũng như trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người thường dùng từ “thập kỷ” để chỉ thời gian khoảng 10 (mười) năm. Dùng “thập kỷ” như vậy là không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rất tùy tiện, không chuẩn xác.

 “Thập kỷ” là một từ ghép Hán Việt, bao gồm hai từ đơn, là “thập” (tức là 10 - mười) và “kỷ” (còn được viết là “kỉ”- i ngắn). Theo “Hán Việt từ điển” của học giả Đào Duy Anh, được Hãn Mạn Tử (tức cụ Phan Bội Châu) hiệu đính, NXB TP. Hồ Chí Minh - 1994, trang 439 (quyển thượng), thì có nhiều từ “kỷ”, với nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có từ “kỷ” chỉ thời gian, gồm hai nghĩa, là: “một năm” và “12 năm” (tức một giáp). Một thế kỷ là 100 năm. Vậy, nếu dùng từ “thập kỷ” thì có thể hiểu theo hai nghĩa, là: “10 năm” (mười năm), hoặc là “10 x 12 năm = 120 năm” (một trăm hai mươi năm).

Còn trong “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học và NXB Đà Nẵng, Hà Nội - 1997, trang 894, giải nghĩa “Thập kỉ” (còn viết là “thập kỷ”) là: “Từng khoảng thời gian mười năm của một thế kỉ, tính từ năm đầu của thế kỉ trở đi. (Ví dụ) Thập kỉ 70 của thế kỉ XX (từ năm 1970 đến năm 1980)”. Nhưng, cũng chính cuốn từ điển này, ở trang 500, khi giải nghĩa từ “kỉ” chỉ thời gian, lại nêu ra hai nghĩa: Một là - “Đơn vị thời gian địa chất, bậc dưới của đại, dài từ hàng triệu đến hàng chục triệu năm. (Ví dụ) Kỉ carbon”. Hai là - “Khoảng thời gian 12 năm, tức một giáp”. Như vậy, cứ theo “Từ điển tiếng Việt”, thì “thập kỉ” có nhiều nghĩa: có thể hiểu là 10 (mười) năm - như cách giải thích ở trang 894; lại cũng có thể hiểu là 10 x 12 năm = 120 năm (một trăm hai mươi năm); hoặc 10 (mười) triệu năm; hoặc 10 x 10 triệu năm = 100 triệu năm (một trăm triệu năm - như cách giải thích ở trang 500. Tóm lại, nếu theo “Từ điển tiếng Việt”, thì nghĩa của từ “thập kỉ” khá là... mênh mông; tức là nó không xác định rõ ràng, chính xác về thời gian!

Nhưng, “Hán Việt từ điển” và “Từ điển tiếng Việt” giải thích từ “kỷ” (hoặc viết là “kỉ”) có một điểm giống nhau, là 12 năm. Do đó, nếu dùng “thập kỷ” (hay “thập kỉ”), thì nghĩa thông thường, nghĩa phổ biến nhất, sẽ là: 10 x 12 năm = 120 năm!

Từ các cách lý giải trên, cho thấy: Nếu dùng “thập kỷ” (hay “thập kỉ”) để chỉ thời gian khoảng 10 (mười) năm, là không chuẩn xác, dễ hiểu lầm nhiều nghĩa, nhiều khoảng thời gian khác nhau, có thể là 10 năm, có thể là 120 năm, lại cũng có thể là... 100 triệu năm!

Trên một số ít tờ báo, tạp chí có uy tín, những người viết am hiểu về ngôn ngữ và có cách viết thận trọng, đã dùng từ “thập niên” (chứ không dùng “thập kỷ” - ĐNĐ nhấn mạnh) để chỉ khoảng thời gian 10 (mười) năm.

Vì vậy, để tránh hiểu lầm về sự nhiều nghĩa, không xác định rõ về mặt thời gian của từ “thập kỷ”, ta nên dùng từ “thập niên” để chỉ thời gian 10 (mười) năm, hoặc khoảng thời gian 10 (mười) năm. Ví dụ, viết (nói): “Thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, văn hóa - khoa học - kỹ thuật của thế giới đã có thêm những thành tựu to lớn”, để nói về những tiến bộ của văn hóa - khoa học - kỹ thuật thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2010. “Dùng “thập niên” như vậy vừa chính xác, đơn nghĩa, rõ ràng, dễ hiểu, giữ đúng nguyên nghĩa từ Hán Việt, lại vừa theo đúng nguyên tắc cấu tạo từ của tiếng Việt. Đây là cách dùng đúng nhất. Trong nhiều văn cảnh, dùng “thập niên” còn hay hơn, uyển chuyển, hàm súc hơn dùng số từ “chục năm” (thuần Việt) rất nhiều.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm. Chuyện chữ nghĩa trên các loại văn bản của Nhà nước, trên các loại báo chí và trong giao tiếp hằng ngày, thực chất là một vấn đề lớn của khoa học về ngôn ngữ và vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất quan tâm, luôn luôn nhắc nhở những người cầm bút. Một số từ điển của ta, nhiều năm nay, có những sai sót trong việc thống kê và giải nghĩa các từ; cho nên không thể răm rắp tuân theo tất tần tật những gì ghi trong các từ điển, nhất là các từ điển còn cần phải bàn về tính khoa học (Vì thế mà những người biên soạn “Từ điển tiếng Việt” rất mong được bạn đọc góp ý, phê bình, để in lần sau, cuốn từ điển sẽ hoàn thiện hơn). Cũng không nên dựa vào ý kiến ngụy biện: “Do thói quen sử dụng ngôn ngữ...” mà chấp nhận từ “thập kỷ” quá mơ hồ về nghĩa. Còn, nếu nói “thập kỷ” là một từ sáng tạo (?!) thì quả là lập luận vi vu, vì đã gọi là “sáng tạo”- thì trước hết phải là cái mới, vừa đúng, vừa hay.

Tóm lại, các cơ quan báo chí, người viết văn, viết báo, những người làm công tác tuyên truyền, các nhà giáo và HS-SV nên dùng từ “thập niên”, không nên dùng từ “thập kỷ” để chỉ thời gian khoảng 10 (mười) năm!

Đào Ngc Đ
(Hi Phòng)