Thứ hai, 13/1/2020, 09h09

Nền tảng xây dựng thành phố văn minh, nghĩa tình

Bên cạnh dạy chữ, ngành GD-ĐT TP.HCM đã và đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp, từ chuyên môn đến các hoạt động ngoại khóa để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS, SV. Công tác này góp phần tạo ra những công dân tương lai hội tụ đầy đủ tri thức, đạo đức tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho HS tiêu biểu Trường THPT Lê Quý Đôn

Phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM về hoạt động này.

+ PV: Trên con đường xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, những công dân tương lai đóng vai trò như thế nào trong công cuộc này, thưa bà?

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Thực tiễn phát triển của đất nước và TP.HCM đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi HS, SV TP phải không ngừng nỗ lực rèn đức, luyện tài, chủ động, sáng tạo, lựa chọn những giá trị tích cực, tiến bộ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và thực tiễn của đất nước, TP. Từ đó hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, bởi không có tri thức, hiểu biết về xã hội, tự nhiên và chính bản thân mình, con người sẽ luôn lệ thuộc, bất lực trước những thế lực và sức mạnh cản trở sự phát triển của dân tộc, đất nước mình”. Như vậy, trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, GD-ĐT được xem là chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển. Giáo dục là công cụ để phát triển chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động của cá nhân thông qua tích lũy kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động. GD-ĐT thực hiện mục đích “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” hình thành đội ngũ có tri thức, có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ năng động sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội.

Với quan điểm giáo dục HS, SV một cách toàn diện, không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, ngành GD-ĐT TP.HCM luôn chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nhiều biện pháp, từ chuyên môn đến các hoạt động ngoại khóa để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho các em.

+ Vậy giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV tại TP.HCM thời gian qua thực hiện như thế nào, thưa bà?

Trong chỉ đạo về chuyên môn, nhà trường lồng ghép một số nội dung phù hợp nhằm giáo dục các em biết kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Và hình thành các ý thức, hành vi, thói quen tốt trong việc tuân theo quy định của nhà trường; yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ các bạn cùng lớp thông qua hướng dẫn của giáo viên và cảm nhận trực quan.

Đồng thời thực hiện nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với HS.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của HS. Đổi mới phương pháp dạy học các môn đạo đức và giáo dục công dân, giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho các em.

Đối với công tác giáo dục toàn diện, ngành chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống anh hùng bất khuất, tinh thần tự hào dân tộc. Tăng cường giáo dục, phổ biến và ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước. Gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức; khả năng hội nhập, làm chủ bản thân… thông qua nội dung các môn học chính trị, khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, địa lý…

Ngành cũng chỉ đạo việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong trường học, tổ chức triển khai phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; lồng ghép các nội dung giáo dục và tuyên truyền về biển đảo, an toàn giao thông...

Tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Chỉ thị yêu cầu Bộ GD-ĐT cùng UBND các tỉnh, TP, các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Bộ Công an, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nghiêm chỉ thị.

Trước đó, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS, SV cũng là một trong 5 nhóm giải pháp cơ bản Bộ GD-ĐT đã đề ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm học 2019-2020. Quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xức.

+ Thời gian tới, ngành giáo dục có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV, thưa bà?

Ngành sẽ tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS, SV thông qua đẩy mạnh tích hợp giáo dục đạo đức vào các môn học, nhất là môn giáo dục công dân. Qua đó hình thành cho các em phạm trù “nghĩa vụ đạo đức” là cần thiết, được quan niệm như trách nhiệm của con người trước xã hội và trước những người xung quanh. Đồng thời giáo dục các em phạm trù “cái thiện, cái ác”, giáo dục tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và sự chia sẻ. Tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và đạo lý thầy trò.

Học sinh TP.HCM

Ngành cũng tăng cường trang bị những kỹ năng xã hội cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan như: kỹ năng giao tiếp, thương thuyết, kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột… cho các em. Đặc biệt luôn quan tâm đến việc giáo dục các em thể hiện mình đúng cách là một trong những giải pháp quan trọng để giảm hành vi bạo lực học đường.

Nhiều chương trình, hoạt động xã hội được tổ chức để lôi cuốn HS, SV tham gia, giúp các em giải tỏa năng lượng hoặc chứng tỏ giá trị của mình theo hướng tích cực, tạo sân chơi lành mạnh để rèn luyện nhân cách cho các em.

+ Nhân dịp Tết đến xuân về, bà có gửi lời chúc đến thầy giáo, cô giáo, các em HS, SV và các bậc phụ huynh?

Thay mặt ngành GD-ĐT TP, tôi kính chúc toàn thể cán bộ - giáo viên - nhân viên, HS, SV, quý phụ huynh một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và thành công!

+ Xin cảm ơn bà!

Hồng Anh (thực hiện)