Thứ bảy, 26/10/2019, 19h18

Nét đẹp văn hóa từ thiện

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip mọi người giành giật tiền từ thiện tại Việt Nam. Số là một căn hộ trên lầu cao rải tiền mệnh giá nhỏ xuống dưới vỉa hè. Thế là mọi người nhốn nháo xúm lại giành giật trông rất phản cảm. Hiếu kỳ, người tham gia giao thông chạy xe ngang cũng dừng xuống tranh giành. Chưa dừng lại ở đó, trong giây lát, ở đâu xuất hiện nhiều người hơn nữa đến để nhặt tiền. Việc này chẳng những làm tắc nghẽn giao thông mà còn làm xấu đi nét văn hóa từ thiện ở nước ta.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên những người lắm tiền nhiều của cho tiền theo cách này. Họ cứ nghĩ mình giàu có, thì mình có quyền làm gì mình thích. Chẳng cần nghĩ đến điều đó có làm xấu đi hình ảnh của mình, ảnh hưởng đến nơi công cộng hay không. Việc này không vi phạm pháp luật (nếu như không gây rối trật tự nơi công cộng) nhưng  xét về văn hóa, họ làm nhòa đi hình tượng của một mạnh thường quân trong mắt mọi người. Chúng ta cho tiền kiểu đó không khác nào quăng tiền cho cô hồn, kiểu ban phát bất cần, coi thường người nhận tiền. Trong khi  nhiều  nước trên thế giới, người làm việc thiện không phải ít nhưng có mấy ai thể hiện theo cách này. Họ dùng số tiền của mình làm ra để mua quà, đi nhiều nơi trao tặng cho hoàn cảnh khó khăn một cách chân thành, nhân văn. Họ hạn chế cho tiền mà thường trao nhu yếu phẩm, hỗ trợ phương tiện làm ăn, để người dân thoát nghèo.

Nói về người nhận tiền từ thiện, thực sự thì không phải ai cũng nghèo, có người khá giả đấy chứ. Nhưng sự nhã nhặn của họ bay đi đâu mất khi thấy người ta quăng tiền cho. Hình ảnh lộn xộn giành giật tiền bạc nơi công cộng là một nỗi thất vọng ê chề về văn hóa ứng xử. Thậm chí những hội nhóm từ thiện phát thức ăn, người nhận chen lấn muốn được phần trước, xin nhiều, trông rất phản cảm. Dẫu cho chúng ta nghèo nhưng lòng tự trọng ở đâu? Có nhiều người nói rằng nghèo thì làm gì có lòng tự trọng? Điều đó là sai. Từ ngàn xưa, cổ nhân đã đúc kết câu nói “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Chính vì quý sự thanh bạch, cần cù dù nghèo khó của một số người mà nhiều mạnh thường quân từ tâm mới làm từ thiện. Nhớ lại lúc Nhật Bản bị hứng trận động đất và sóng thần Tohoku 2011 thật kinh hoàng. Dù người dân mất nhà, mất tài sản (thậm chí mất người thân), nhưng ai cũng xếp hàng có trật tự để nhận hàng cứu trợ, sẵn sàng nhường nhau khi thấy số phận người khác bi đát hơn mình. Điều này chúng ta cần phải học hỏi.

Nói ra không phải phán xét người cho và người nhận. Bởi nhờ có những tấm lòng từ tâm của các mạnh thường quân đã giúp cho người nghèo thoát khổ, vươn lên làm giàu. Nhưng mong rằng những ai xem việc từ thiện để khoe mẽ, thú giải trí, thì nên bỏ đi. Của cho không bằng cách cho, nên thể hiện nét đẹp từ thiện để xã hội ngày càng nhân văn hơn.

Đặng Trung Thành